Thầy cô 'bất đắc dĩ' dạy bơi miễn phí

GD&TĐ - Do không có bể bơi, các đoàn viên, thanh niên chọn đoạn sông bằng phẳng, dòng chảy ổn định rồi dùng thanh tre cố định với nhau để dạy các kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ em.

Các đoàn viên, thanh niên xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh ngăn sông tạo không gian dạy bơi cho học sinh.
Các đoàn viên, thanh niên xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh ngăn sông tạo không gian dạy bơi cho học sinh.

Vào mùa hè, tai nạn đuối nước luôn trở thành nỗi ám ảnh với mỗi gia đình. Nạn nhân của nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm là trẻ em. Chính vì vậy, việc trang bị kỹ năng cho trẻ để phòng tránh đuối nước rất cần thiết.

Ngăn sông dạy bơi cho trẻ

Địa bàn huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị có nhiều sông, suối với độ dốc lớn, nước chảy xiết. Nơi đây luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn đuối nước đối với trẻ em. Thời gian qua, Đoàn Thanh niên tại xã Tà Long (huyện Đakrông) đã tận dụng không gian mặt nước dạy bơi cho trẻ em, nhằm trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình.

“Bể bơi nhân tạo” được thiết lập ở đoạn sông chảy qua thôn Tà Lao, xã Tà Long. Gọi là “bể bơi nhân tạo”, nhưng thực chất đây là khoảng sông bằng phẳng, độ dốc ít, nước cạn. Tại đoạn sông này, các đoàn viên, thanh niên chặt tre, nứa về buộc lại với nhau, tạo thành ô hình chữ nhật, bên dưới gắn với những chiếc can nhựa hoặc phao giúp khung tre nổi trên mặt nứa. Đây chính là không gian để tập bơi và dạy các kỹ năng cho trẻ em.

Anh Hồ Văn Đề - Phó Bí thư Xã đoàn Tà Long, cũng là người trực tiếp dạy bơi cho các em cho biết: Lớp dạy bơi được mở từ giữa tháng 6 đến nay, với khoảng 15 học sinh tham gia. Những học sinh học bơi trú tại các thôn Tà Lao, Pa Hy (xã Tà Long). Các em trong độ tuổi học sinh từ lớp 1 - 5, hoặc lớn hơn.

“Tham gia lớp học bơi, các em được luyện tập một số kiểu bơi ếch, bơi ngửa và những kỹ năng cần thiết khác. Sau một thời gian luyện tập, các em đã tự bơi được”, anh Đề cho hay.

Theo anh Nguyễn Đức Linh – Bí thư Huyện đoàn Đakrông, tỉnh Quảng Trị, nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, đơn vị đã gửi công văn đến Ban Chấp hành Đoàn các xã, thị trấn đề nghị vận động, tuyên truyền các gia đình quan tâm, giám sát trẻ em, cảnh báo về nguy cơ gây tai nạn đuối nước có thể xảy ra đối với trẻ. Bên cạnh đó, triển khai các lớp dạy bơi, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ. Những địa bàn không có bể bơi thì tận dụng nguồn nước tự nhiên: Sông suối... để tạo thành bể bơi bảo đảm an toàn cho trẻ khi tham gia học bơi.

Bí thư Huyện đoàn Đakrông cho hay: “Lớp dạy bơi là sân chơi hữu ích, vừa giúp các em rèn luyện sức khỏe trong mùa hè, vừa trang bị kỹ năng bơi để phòng tránh đuối nước có thể xảy ra. Đây là mô hình hay để nhân rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn”.

Lớp dạy bơi trên sông của Đoàn Thanh niên xã Tà Long, huyện Đakrông.

Lớp dạy bơi trên sông của Đoàn Thanh niên xã Tà Long, huyện Đakrông.

Rèn luyện cho trẻ kỹ năng sinh tồn

Tại xã miền núi Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, những năm gần đây, Ban Chấp hành Xã đoàn đều chú trọng duy trì lớp dạy bơi cho cho trẻ em tại địa phương.

Do điều kiện xa trung tâm, không có bể bơi, Đoàn Thanh niên đã dùng dùng tre, nứa… khoanh vùng mặt nước, tạo không gian để dạy bơi cho trẻ.

Anh Đỗ Văn Chiến - Bí thư Đoàn xã Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh) cho biết, xuất phát từ thực tế khó khăn của địa phương, đặc biệt là thiếu sân chơi cho trẻ em nên vào mùa hè, các em thường lội sông, suối tắm mà không có người lớn đi theo. Bên cạnh đó, nhiều em không biết bơi nhưng vẫn xuống tắm, rất nguy hiểm. Vì vậy, Đoàn Thanh niên của xã đã lên ý tưởng làm một “hồ bơi nhân tạo” để hỗ trợ cho các em.

Bể bơi tự nhiên này có thiết kế khá đơn giản, được tạo thành từ những vật liệu sẵn có và dễ kiếm như: Tre, luồng, can nhựa và xốp.

Để an toàn cho các em nhỏ khi học bơi, Đoàn Thanh niên xã huy động lực lượng tiến hành ngăn dòng, chia thành 4 ô, mỗi ô dài 15m để dạy theo từng độ tuổi. Những học sinh đến với lớp dạy bơi thuộc nhóm từ 7 - 14 tuổi.

Sau khi triển khai, Huyện đoàn Vĩnh Linh đã hỗ trợ 20 áo phao để bảo đảm an toàn cho các em nhỏ khi tham gia khóa học.

Theo anh Đỗ Văn Chiến, hiện nay, đã có trên 30 em nhỏ theo học. Trong thời gian học tập, các em sẽ được các thầy giáo có chuyên môn hướng dẫn kiến thức về bơi lội, kỹ thuật bơi cơ bản để phòng ngừa đuối nước, cách nhận biết vùng nước nguy hiểm, cách cứu người đuối nước, các kỹ năng sơ cứu đuối nước.

Tham gia lớp học bơi, em Nguyễn Hữu Quân hào hứng chia sẻ: “Từ nhỏ đến giờ chưa ai dạy em tập bơi. Tham gia lớp học, em được các thầy hướng dẫn kỹ năng bơi, phương pháp xử lý một số tình huống nguy hiểm gặp phải ở dưới nước”.

Bí thư Xã đoàn Vĩnh Hà cho hay, nghe thông tin về lớp dạy bơi, không chỉ học sinh trên địa bàn xã Vĩnh Hà, mà các em nhỏ ở những địa phương lân cận, như thị trấn Bến Quan cũng đến học bơi. Khi đến với lớp, các thầy giáo luôn tạo mọi điều kiện để giúp đỡ, hỗ trợ các em.

Nhận thấy lớp học bơi tạo ra sân chơi hữu ích cho con em trong ngày hè, nhiều phụ huynh đã đồng tình cho con đến lớp. Chị Hoàng Thị Tám (ở thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh) cho biết: “Từ lúc con tôi tham gia lớp học bơi, được các thầy hướng dẫn rất nhiệt tình, nhờ đó cháu đã biết bơi. Thấy con được học tập các kỹ năng để phòng tránh khi không may gặp tai nạn dưới nước, gia đình tôi thấy rất an tâm”.

Đánh giá về mô hình này, chị Võ Thị Thu - Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Linh cho hay: “Mô hình dạy bơi có ý nghĩa quan trọng giúp rèn luyện và nâng cao kỹ năng cần thiết cho học sinh, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng các em. Hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều hồ bơi, nhiều lớp dạy bơi cho các em thiếu nhi để giúp các em có sân chơi lành mạnh, được trang bị kỹ năng bơi lội, phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ