Thầy chủ động, trò hào hứng với Chương trình mới

GD&TĐ - Chương trình GD phổ thông mới giúp học sinh hoàn thành môn học vượt trội, đồng thời giúp các em phát triển các năng lực, phẩm chất và tự tin hơn…

Giờ học tại Trường TH Giấy Bãi Bằng
Giờ học tại Trường TH Giấy Bãi Bằng

Phát huy kinh nghiệm

Năm học 2022-2023 toàn tỉnh Phú Thọ 892 cơ sở giáo dục với hơn 383.300 học sinh. Cùng với cả nước, Chương trình GDPT mới 2018 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ áp dụng cho bậc tiểu học từ năm học 2019 - 2020, áp dụng cho bậc THCS từ năm học 2020 - 2021 và bậc THPT từ năm học này.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Phú Thọ, từ kinh nghiệm thực hiện Chương trình GDPT mới ở 2 năm học trước nên ở năm học này, các thầy cô giáo đã linh hoạt, chủ động hơn trong việc khai thác, sử dụng thông tin, ngữ liệu từ sách giáo khoa và các tài liệu khác để phù hợp với bài học.

Giờ học của cô và trò Trường THCS Chu Hóa (TP Việt Trì, Phú Thọ).

Giờ học của cô và trò Trường THCS Chu Hóa (TP Việt Trì, Phú Thọ).

Tại Trường THCS Chu Hóa (TP Việt Trì, Phú Thọ), cô Nguyễn Thị Thanh Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để chuẩn bị tốt cho việc dạy và học theo Chương trình GDPT 2018, nhà trường đã tổ chức cho 100% giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của Bộ, Sở, Phòng GD&ĐT.

Đồng thời, rà soát lại các thiết bị dạy theo danh mục, cho mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu, mua sách giáo khoa lớp 6,7 theo Chương trình GDPT 2018, sửa chữa bảo dưỡng những thiết bị hỏng, xuống cấp. Phân công chuyên môn, giáo viên dạy CT GDPT 2018 với lớp 6,7 phải là những giáo viên đã được tập huấn về Chương trình GDPT mới.

“Kinh nghiệm của nhà trường trong thực hiện Chương trình GDPT mới là tăng cường lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kĩ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; các hoạt động vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chuyên môn; tăng cường sinh hoạt chuyên môn lấy học sinh làm trung tâm và tổ chức chuyên đề, hội thảo chuyên môn cấp thành phố, trường, cụm trường; Triển khai thực hiện, tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh, chú trọng giáo dục STEM”- Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hoa cho biết thêm.

Cùng với sự chủ động của Ban giám hiệu nhà trường và thầy cô, học sinh tại Trường THCS Chu Hóa cũng sẵn sàng và hào hứng đối với Chương trình GDPT mới. Em Hà Thảo Vân – Học sinh lớp 7A1, chia sẻ: Em rất hào hứng với phương pháp học tập mới, từ sự hướng dẫn, gợi mở của thầy cô giáo qua những câu hỏi thú vị.

Sách giáo khoa mới có nhiều kiến thức, chủ đề mới để em học hỏi; tuy nhiên, em đã được học và làm quen với Chương trình GDPT mới 2018 từ năm lớp 6, nên lên lớp 7 em có sự nối tiếp, không bỡ ngỡ với phương pháp dạy học mới, em đã bắt nhịp với chương trình mới. Để chủ động trong việc nắm bắt kiến thức mới, tăng cường sự tương tác với các thầy cô giáo và các bạn, em thường đọc và tìm hiểu kỹ những bài học mới trước khi đến lớp, nên hiệu quả học tập của em được cải thiện hơn.

Bảo đảm các điều kiện để triển khai chương trình

Nhằm thực hiện tốt Chương trình GDPT mới, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã cụ thể hóa các hướng dẫn chuyên môn để phù hợp với điều kiện của địa phương và chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố hướng dẫn các nhà trường thực hiện. Với cách làm trên, các nhà trường đã được chủ động, linh hoạt và thuận lợi trong xây dựng, điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học từng môn học phù hợp với các giai đoạn phòng, chống dịch.

Em Hà Thảo Vân – Học sinh lớp 7A1 Trường THCS Chu Hóa chia sẻ về CT GDPT mới.
Em Hà Thảo Vân – Học sinh lớp 7A1 Trường THCS Chu Hóa chia sẻ về CT GDPT mới.

Trước khi bước vào năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã chỉ đạo tổ chức rà soát, thống kê đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên hiện có; xây dựng kế hoạch phân công giáo viên dạy lớp 3, 7, 10; ưu tiên bố trí giáo viên có năng lực, nhiệt tình, năng động và có khả năng ứng dụng tốt công nghệ thông tin để giảng dạy Chương trình GDPT 2018.

Sau khi tổ chức rà soát, thống kê, UBND các huyện, thành phố tuyển dụng, điều động, biệt phái cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo đủ số lượng và chủng loại để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Đến nay, về cơ bản đã bố trí đủ đội ngũ để dạy các môn học thuộc Chương trình GDPT 2018. Việc phân công giáo viên cũng tính đến mục tiêu dài hạn những năm tiếp theo.

Cùng với chuẩn bị đội ngũ, các nhà trường rà soát, thống kê, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học; đầu tư sửa chữa và xây mới phòng học, phòng bộ môn. Huy động nguồn lực xã hội hóa giáo dục, đề nghị hỗ trợ để đảm bảo mỗi trường và điểm trường có một phòng máy, qua đó tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân và đặc biệt là phụ huynh học sinh trong thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Bên cạnh việc mua sắm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, các đơn vị đã chú trọng thực hiện phong trào tự làm đồ dùng thiết bị dạy học để bổ sung, cải tiến nhằm phát huy hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục.

Hoạt động giáo dục của Trường TH Giấy Bãi Bằng (huyện Phù Ninh, Phú Thọ).

Hoạt động giáo dục của Trường TH Giấy Bãi Bằng (huyện Phù Ninh, Phú Thọ).

Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình GDPT mới trong năm học này và những năm tiếp theo, lãnh đạo Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, Sở đang tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh cho phép tuyển dụng số giáo viên còn thiếu, trong đó ưu tiên tuyển giáo viên môn học mới của các cấp học.

Đồng thời, cùng với UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên đảm bảo phù hợp, cân đối giữa các trường; tranh thủ nguồn lực từ đề án, kế hoạch, chương trình mục tiêu... của Trung ương, địa phương và tăng cường công tác xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất trường học, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT mới.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giấy Bãi Bằng (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) Nguyễn Thị Kim Liên cho biết: Thời gian đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, giáo viên nhà trường có những bỡ ngỡ, cha mẹ học sinh cũng có đôi chút lo lắng, song sau đó giáo viên và học sinh đã nhanh chóng bắt nhịp.

Sau 2 năm học, mặt bằng chất lượng học sinh lớp 1, 2 năm nay của nhà trường nâng lên so với những năm trước. Đáng chú ý, học sinh tích cực hơn, nhiều em tiến bộ nhanh. Nội dung các bài học trong sách giáo khoa mới đa dạng, ngữ liệu có tranh minh họa giúp giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh dễ nhận biết, hiểu rõ nghĩa, bài tập thực hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ