Thầy Chạy không 'chạy việc'

GD&TĐ - Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng thầy Lê Văn Chạy, Trường THCS An Thạnh Tây (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) vẫn tận tâm với nghề.

Thầy Chạy hướng dẫn học sinh học bài.
Thầy Chạy hướng dẫn học sinh học bài.

Thầy luôn tiếp động lực, giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp nối con đường học tập.

Tận tâm với nghề

Gắn bó với phấn trắng, bảng đen ở vùng đất cù lao sông nước đến nay được 17 năm, cuộc sống của nhà giáo vốn khó khăn nhưng thầy Chạy vẫn không… “chạy” đi nơi khác hay nghề khác, mà vẫn nguyện gắn bó mãi với nghề mình đã chọn…

Thầy Chạy quê ở xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách, Sóc Trăng). Năm 2005, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Giáo dục công dân - Lịch sử, Trường CĐSP Sóc Trăng, thầy nhận quyết định về dạy tại Trường THCS An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung. Khi mới về trường, thầy và nhiều giáo viên khác cũng có băn khoăn, vì lúc đó còn rất nhiều khó khăn.

Đi lại chủ yếu là đường đất, trường lớp tạm bợ, thiếu thốn đủ thứ. Học sinh đa số là con nhà nông, cuộc sống còn nhiều vất vả nên các em hay bỏ học giữa chừng. 8 giáo viên về trường không có nhà ở, phải ở tạm trong một phòng học. Lương mỗi tháng chỉ khoảng 530.000 đồng nhưng không phải tháng nào cũng được lĩnh đúng hạn, có khi mấy tháng trời chưa có lương.

Điều đáng trân trọng ở thầy Chạy là dù cuộc sống của nhà giáo vùng sông nước còn nhiều khó khăn nhưng chưa một lần thầy có ý định bỏ nghề, mà vẫn nguyện gắn bó với học sinh. Thầy nói: “Cha mẹ là nông dân, cho tôi ăn học và mong muốn tôi trở thành thầy giáo. Vì vậy, tôi đã cố gắng để thực hiện nguyện vọng của cha mẹ và cũng là ước mơ của bản thân. Về xã cù lao sông nước, nhìn cảnh học sinh vất vả đến trường mà thương vô hạn. Nhiều em đứng trước nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh quá khó khăn nên tôi tự nhắc nhở mình không được rời xa các em, mà phải có trách nhiệm theo nghề, giúp đỡ trò tiếp tục đến trường”.

Vậy là, ngoài giờ dạy trên lớp, thầy Chạy tìm đến phụ huynh và học sinh, động viên gia đình cho các em đến trường bằng những lời tâm sự chân tình, hay những phần quà thiết thực. Nhiều học sinh của thầy Chạy nay đã thành đạt, có công ăn việc làm ổn định ở trong và ngoài địa phương. Các em đều trở về trường mang theo ân tình và những phần quà hỗ trợ cho học sinh đang học tại trường có hoàn cảnh khó khăn, như thầy Chạy và các thầy cô trong trường đã dành cho các em năm xưa.

Vợ thầy Lê Văn Chạy quê ở huyện Châu Thành (Sóc Trăng), cũng là giáo viên Trường THCS An Thạnh Tây. Vợ chồng thầy cùng 2 con nhỏ đang sống trong một căn phòng rộng chưa đầy 30m2 thuộc nhà công vụ của trường. Căn phòng cũ kỹ, chật chội nhưng lại đầm ấm bởi một gia đình nhà giáo tiêu biểu.

Khi hỏi hai vợ chồng thầy đã có đất để xây dựng tổ ấm? Thầy Chạy chia sẻ, đồng lương nhà giáo vừa nuôi hai đứa con đi học, vừa lo cho cuộc sống hằng ngày nên chưa thể mua đất làm nhà. Hơn nữa, đất ở Cù Lao Dung hiện nay rất đắt, không biết bao giờ mới có tiền mua được nền nhà để ở. “Biết cuộc sống của nhà giáo vẫn còn nhiều khó khăn nhưng khó đến đâu đi chăng nữa, tôi vẫn yêu nghề mà mình đã chọn”, nhà giáo tâm sự.

Thầy Lê Văn Chạy chuẩn bị bài dạy tại nhà công vụ.

Thầy Lê Văn Chạy chuẩn bị bài dạy tại nhà công vụ.

Dạy trò thêm yêu môn Sử

Thầy Chạy được phân công giảng dạy môn Lịch sử khối 7, 8, 9 và thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục, quản lý học sinh. Ngoài ra, thầy còn bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử; tham gia phong trào thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp (cấp huyện, tỉnh), tham gia tổ chuyên môn GD&ĐT huyện Cù Lao Dung (Tổ phó bộ môn Lịch sử); viết nhiều đề tài sáng kiến kinh nghiệm. Nhiều năm liền, thầy Chạy là giáo viên giỏi các cấp.

Tính từ năm 2010 đến 2022, thầy Chạy có 71 học sinh tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi và mang về cho trường 69 giải. Trong đó có 43 giải cấp huyện (8 giải Nhất, 16 giải Nhì, 9 giải Ba và 10 giải Khuyến khích); 26 giải cấp tỉnh (1 giải Nhất, 9 giải Nhì, 5 giải Ba và 11 giải Khuyến khích).

Trịnh Ngọc Ái Lam, học sinh lớp 9/1 cho biết: “Được học với thầy Lê Văn Chạy là niềm vui, niềm hạnh phúc của chúng em. Thầy rất nhiệt tình trong giảng dạy, luôn yêu thương học sinh, có phương pháp giảng dạy ấn tượng. Thầy đã giúp chúng em yêu thích Lịch sử, môn học mà nhiều người cho là khó học, khô khan. Được thầy bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử, năm lớp 8, em đoạt giải Nhất cấp huyện và giải Nhì cấp tỉnh. Hiện em ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới”.

Thầy Chạy còn tích cực tham gia công tác xã hội trong trường học, trợ giúp tham vấn, hỗ trợ tâm lý, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thầy đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ trên 33 triệu đồng cùng hàng trăm cuốn tập… Thành tích của thầy được ngành Giáo dục và địa phương ghi nhận bằng nhiều danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND tỉnh Sóc Trăng cùng nhiều Giấy khen của UBND huyện Cù Lao Dung.

Cô Nguyễn Thị Bình, Hiệu trưởng Trường THCS An Thạnh Tây cho biết: “Thầy Lê Văn Chạy có tư cách đạo đức tốt, chuyên môn vững vàng, nhiệt tình trong công tác, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thầy là giáo viên giỏi các cấp nhiều năm liền, được phụ huynh kính trọng, học sinh ngưỡng mộ. Thầy được đề nghị nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”.

Để đến trường, tôi phải nhờ sự chu cấp của gia đình, vốn cũng là nhà nông. Gia đình không dư giả gì, nhưng thương con nên cha mẹ cho con “mượn tiền” để thực hiện ước mơ được đứng trên bục giảng. Ở nhờ phòng học được mấy năm, lại phải đi xin ở nhờ trong nhà dân vì nhường phòng lại cho việc xây dựng trường mới. Đến năm 2009, trường được xây dựng, có nhà công vụ với 3 phòng ở. Tôi và đồng nghiệp chính thức có “nhà riêng” từ đó cho đến nay. - Thầy Lê Văn Chạy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.