Theo các chuyên gia, trong bối cảnh này, các bộ, ngành cần tính đến chính sách dài hạn, trong đó quan tâm đến đào tạo nghề cho người mất việc.
Hơn 1 triệu lao động thất nghiệp
Bộ LĐ-TB&XH vừa cho biết, tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm đang tăng nhanh, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, đời sống của nhân dân.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, tính từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có hơn 1 triệu lao động mất việc làm. Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực lên 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên, khiến 17,6 triệu người giảm thu nhập. Ngoài ra, cả nước còn 1,3 triệu hộ nghèo, 1,23 triệu hộ cận nghèo cũng chịu tác động xấu của dịch bệnh.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, dịch COVID-19 sẽ làm gia tăng số hộ nghèo, cận nghèo trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị không đạt kế hoạch như Quốc hội giao (khống chế tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%).
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, 9 tháng đầu năm 2020, đã có 893.090 người nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp. Dự kiến cả năm 2020, con số này sẽ là 1 triệu.Theo ông Bình, Cục Việc làm tính toán, kịch bản xấu nhất là thời gian tới, số lao động mất việc làm có thể tăng 60.000 - 70.000 mỗi tháng, tập trung ở các lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, vận tải, chế biến chế tạo... Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%, trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5-5 triệu người.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, trong tình hình thất nghiệp tăng cao, việc hỗ trợ bằng tiền mặt sẽ không giúp ích nhiều cho người lao động bởi khoản trợ cấp gần như không đáng kể. Việc quan trọng nhất là tổ chức chuyển đổi sản xuất, hoặc đào tạo nghề cho một bộ phận lao động ở khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng thu nhập cũng như bộ phận lao động ở khu vực chính thức bị mất việc làm. Các ngành nghề có thể triển khai đào tạo tạm thời là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…. Khi kinh tế phục hồi, người lao động thậm chí có thể sống tốt với nghề tạm thời này và biến nó thành nghề chính.
Theo ông Doanh, Chính phủ nên hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân trong các lĩnh vực công nghệ, giao thông vận tải, thương mại điện tử… để giảm áp lực thất nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Chính sách và Truyền thông lưu ý, cần có chính sách cho bộ phận lao động vốn hoạt động trong khu vực chính thức nhưng bị mất việc làm và trở thành lao động thời vụ, vãng lai. Bên cạnh đó, cần tính đến chính sách dài hạn, trong đó quan tâm đến đào tạo nghề cho người mất việc để họ có khả năng tiếp cận việc làm mới khi có cơ hội.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, cơ quan chức năng cần rà soát từng đối tượng lao động và đưa ra mức hỗ trợ khác nhau. Ngoài ra, cần tính toán phương án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho những lao động yếu thế. Bởi đây là đối tượng bị doanh nghiệp sa thải đầu tiên.
Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện tại, Bộ đã đề nghị Chính phủ sửa đổi, giảm bớt một số điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận gói vay trả lương ngừng việc 16 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng kiến nghị kéo dài thời gian tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất cho doanh nghiệp và người lao động đến cuối năm 2020, mở rộng nhóm hỗ trợ, giảm bớt thủ tục hành chính và điều kiện thụ hưởng.
Cũng theo ông Thanh, trước tình hình thất nghiệp tăng cao, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất hỗ trợ thêm doanh nghiệp bị giải thể, phá sản trả trợ cấp thôi việc cho người lao động và hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với người lao động, trong đó ưu tiên lao động là người dân tộc thiểu số, lao động không có quan hệ lao động ở khu vực nông thôn, lao động phi chính thức ở khu vực thành thị.
Ông Thanh cho biết, với đề xuất mới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ hướng tới hỗ trợ khoảng 350.000 lao động với mức vay bình quân 30 triệu đồng/lao động và 20.000 cơ sở sản xuất kinh doanh (mức vay bình quân 500 triệu đồng/cơ sở).
38,6 nghìn DN “chết lâm sàng”
Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động thất nghiệp 9 tháng đầu năm 2020 tăng cao là số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng đột biến.
Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2020, cả nước có 38.600 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước có 27,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; gần 12,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Trong số DN giải thể có 10,7 nghìn DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng; 192 DN có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 15,7%. DN hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn; kinh doanh bất động sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác…