Thật - Ảo hàng giảm giá

GD&TĐ - Thời tiết bắt đầu ấm dần lên cũng chính là lúc các “con đường thời trang” ở Hà Nội thi nhau xả hàng.

Nhằm thu hút khách hàng, nhiều cửa hàng thời trang đã đua nhau giảm giá mạnh
Nhằm thu hút khách hàng, nhiều cửa hàng thời trang đã đua nhau giảm giá mạnh

Nhiều cửa hàng thời trang giảm giá bằng các hình thức như:“Khuyến mãi mua 1 tặng 1”, “giảm giá sản phẩm từ 40 đến 60%”, “giảm giá sốc 70%”... là những “chiêu” thức mà các cửa hàng quần áo áp dụng thực sự hấp dẫn khách hàng.

Doanh thu tăng nhờ... giảm giá

Thời điểm này, đi dọc các tuyến phố, các chợ lớn nhỏ của Hà Nội như: Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Cầu Giấy, Đội Cấn, Hàng Nón, Phố Huế, Bà Triệu, Ngô Quyền, Láng Hạ, chợ Hàng Da, Cửa Nam, Thành Công… đâu đâu cũng treo biển giảm giá.

Những dòng quảng cáo đủ loại kích cỡ được căng khắp nơi với đủ mọi lời chào hấp dẫn như: “Thanh lý toàn bộ cửa hàng”, “đại hạ giá”, “giảm giá cực sốc từ 50-70%”…

Hầu hết các mặt hàng giảm giá ở nơi đây đều là hàng mùa đông hoặc thu đông các loại như: váy dạ, áo len, ao thun dài tay… với mức giảm giá phổ biển từ 30% đến 50% so với giá bán trước đó.

Cá biệt, có không ít cửa hàng còn giảm giá đến 70-80%, hoặc bán hàng đồng giá siêu rẻ như “40-50k/chiếc”… Các mặt hàng này đều được treo riêng ở một vị trí nhất định, cho khách hàng dễ chọn lựa.

Chị Nguyễn Thu Mai – chủ một cửa hàng thời trang trên phố Bà Triệu cho biết, tuy chưa hết lạnh, nhưng chúng tôi đã nhập hàng hè 2015 nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sớm của khách hàng. Cửa hàng đã liên tục mở nhiều đợt giảm giá mạnh, thanh lý hàng loạt các mặt hàng thu đông. Doanh thu của cửa hàng do đó cũng tăng lên khoảng 20-30% so với trước đây.

Anh Vũ Huy Thanh – chủ một cửa hàng Made In Vietnam trên phố Ngô Quyền, chia sẻ: cứ vào thời điểm chuyển giao mùa, như thông lệ cửa hàng nào cũng hạ giá, bởi nếu để đến hè, còn ai mua hàng mùa đông nữa.

Các sản phẩm mùa hè năm nay đã được các cửa hàng nhập về rất đa dạng về chủng loại với áo sơ mi, áo phông, váy, quần âu, quần bò…

“Xu hướng năm nay chưa có nhiều “đột phá” về kiểu dáng mà vẫn tập trung vào các dáng áo thun trơn, áo sơ mi có in hoạ tiết, áo sơ mi phối ren, đầm bó ôm, chân váy kết hợp với sơ mi truyền thống...” – anh Thanh nói.

Không chỉ có các shop thời trang trên phố treo biển đại hạ giá, nhiều ki-ốt trong chợ Hàng Da (Hoàn Kiếm), chợ Ngã Tư Sở (Thanh Xuân), chợ Thành Công (Ba Đình), Cửa Nam (Hoàn Kiếm)… cũng căng biển giảm giá như: “nhanh tay mua quần áo rẻ nào”, “áo 70.000 đồng một chiếc”…

Do vậy, không khí mua sắm tại đây cũng khá sôi động, thu hút đông khách hàng là những HS, SV và người lao động.  “Năm nào cũng vậy, thời điểm giao mùa là các cửa hàng lại phải chạy đua giảm giá để xả hàng tồn.

Tuy nhiên, việc treo biển quảng cáo thanh lý cửa hàng, xả hàng tồn… không còn hấp dẫn như trước vì chỉ tính riêng ở chợ này có vài chục ki-ốt bán đồ thời trang đều treo biển như thế” – chị Đặng Thu Hương chủ một ki-ốt ở chợ Thành Công cho biết.

Mua hàng giảm giá, cẩn thận dính bẫy

Theo nhiều chủ shop thời trang, việc treo biển giảm giá là để hút khách và kích cầu, bởi tâm lý người dân thấy giá rẻ và giảm giá nhiều là mua.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương - chủ shop quần áo trên đường Ngô Quyền (Hoàn Kiếm) tiết lộ: “Thật ra, chiêu thức xả hàng lúc giao mùa vẫn chỉ là “chiêu” cũ, năm nào cũng diễn ra nhằm thanh lý hàng tồn, thu hồi vốn để nhập hàng cho mùa mới.

Giảm giá càng mạnh càng đánh vào tâm lý khách hàng, muốn mua hàng rẻ. Giờ, chỗ nào cũng khuyến mãi, mình cũng phải theo xu hướng đó để cạnh tranh. Tuy nhiên, người mua cũng cần cẩn trọng bởi hàng giảm giá đa phần là hàng bị lỗi, hoặc quần áo xấu cả về mẫu mã lẫn chất lượng.

Hoặc không ít cửa hàng còn gắn 2 loại giá tiền lên trên quần áo, một giá cao và một giá thấp, khách sẽ bán theo giá thấp hơn để mua. Tuy nhiên, thực tế dù bán giá thấp như thế thì đó vẫn là giá “ảo” để “câu” khách hàng, chứ không hề có hạ giá sản phẩm mà họ tăng lên rồi gắn biển giảm giá...”.

Chị Hoàng Diệp Lam – nhân viên văn phòng của một ngân hàng cay đắng kể: “Thấy hàng giảm giá khá đẹp mà giảm tới 60% nên nghĩ là sẽ tiết kiệm được nhiều tiền so với mua giá gốc, nhưng mua về khi đem khoe với đồng nghiệp mới ngã ngửa ra là người ta mua giá gốc còn rẻ hơn mình! Mình mới ngộ ra đó là chiêu trò giảm giá “ảo” của người bán hàng”.

Một trường hợp khác lại cho rằng, việc mua hàng giảm giá đồng nghĩa chất lượng hàng cũng giảm theo. Bạn Minh Phương (sinh viên Trường ĐH Thương mại Hà Nội) chia sẻ: “Với túi tiền hạn hẹp của sinh viên, mình tận dụng dịp khuyến mãi để mua sắm vài bộ đồ đi học, đi chơi. Tuy nhiên hàng mua có đẹp và rẻ nhưng mặc chỉ được vài lần thì sứt chỉ, sờn vai hoặc bạc màu...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ