Thao túng thị trường chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết đối diện khung hình phạt nào?

GD&TĐ - Chiều 29/3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Liên quan đến vụ việc này, Tiến sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, việc ông Quyết bị khởi tố, bị bắt về tội danh Thao túng thị trường chứng khoán là khá bất ngờ với nhiều cười bởi trước đó ông quyết đã bị xử phạt hành chính.

Theo Luật sư Cường, về nguyên tắc là một hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một lần. Nếu hành vi vi phạm mà bị xử phạt hành chính rồi thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp xử lý hình sự thì phải hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

“Bởi vậy, trong vụ việc này cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi vi phạm của ông Quyết là hành vi nào, hành vi này đã từng bị cơ quan chức năng nào xử lý hay chưa. Trong trường hợp hành vi đã bị xử phạt hành chính nhưng cơ quan chức năng xác định việc xử phạt hành chính là không đúng, hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính trước khi khởi tố vụ án hình sự.

Trường hợp ông Quyết có nhiều hành vi vi phạm pháp luật thì có thể có hành vi bị xử phạt hành chính còn có hành vi đến mức xử lý hình sự thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự. Trên nguyên tắc là một hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần, hành vi vi phạm quy định nào thì sẽ phải chịu chế tài tương ứng”, Luật sư Cường phân tích.

Cũng theo Luật sư Cường, thị trường chứng khoán là nơi mua bán chứng khoán, là một lĩnh vực đầu tư kinh doanh của nhiều người, mang lại nguồn thu nhập lớn, kích thích sự phát triển của các doanh nghiệp góp phần phát triển nền kinh tế.

Nhà nước quản lý thị trường chứng khoán bằng pháp luật, những người tham gia thị trường chứng khoán phải tuân thủ các quy định của pháp luật về niêm yết, mua, bán và thực hiện các hoạt động đầu tư khác. Trong thực tế thì có những người có tầm ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán, họ nắm giữ nhiều cổ phần và có uy tín nên việc mua bán của họ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của thị trường.

Để tránh trường hợp những người này thao túng thị trường chứng khoán thì pháp luật đã có những quy định nhằm quản lý thị trường này, tạo ra sự minh bạch, công bằng, bình đẳng trong thị trường. Bởi vậy, hành vi vi phạm pháp luật trong thị trường chứng khoán có thể tác động tiêu cực đến thị trường, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết về tội Thao túng thị trường chứng khoán.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết về tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Tội thao túng thị trường chứng khoán được quy định như nào?

Trường hợp hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 211 bộ luật hình sự với mức phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Khung hình phạt sẽ cao hơn, phụ thuộc vào số tiền thiệt hại và thu lời bất chính. Người vi phạm sẽ đối mặt với hình phạt tối đa 7 năm nếu thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên.

Theo luật sư Cường, để buộc tội ông Trịnh Văn Quyết về tội Thao túng thị trường chứng khoán thì cơ quan điều tra phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh ông Quyết đã thực hiện một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây mà gây thiệt hại cho người khác số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên.

Các hành vi này bao gồm: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó; Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.