Thảo luận về giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Italia trong kỷ nguyên số

GD&TĐ - Hội thảo khoa học quốc tế “Giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ - văn hóa Italia trong kỷ nguyên số” diễn ra tại Hà Nội - sáng 18/10.

GS Valerio De Cesaris - Hiệu trưởng Trường ĐH dành cho người nước ngoài Perugia (Italia) tham luận tại hội thảo.
GS Valerio De Cesaris - Hiệu trưởng Trường ĐH dành cho người nước ngoài Perugia (Italia) tham luận tại hội thảo.

Hội thảo do Trường ĐH Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Italia tại Việt Nam tổ chức. Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Văn Trào – Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội (HANU) nhấn mạnh, chúng ta sống trong thời đại mà công nghệ thúc đẩy các phát kiến trong mọi khía cạnh của cuộc sống; trong đó có lĩnh vực giáo dục.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Trào, HANU rất năng động trong việc tiếp thu tư duy toàn cầu, thiết lập đối tác chiến lược với các cơ sở giáo dục bậc cao trong hệ sinh thái toàn cầu. Đồng thời, tự xây dựng một cộng đồng nghiên cứu được đào tạo tốt để đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bằng cách chuyển giao các kỹ năng mới và tạo ra kiến thức mới.

Hội thảo “Nghiên cứu và giảng dạy văn hóa và ngôn ngữ Italia trong thời đại kỹ thuật số” nhằm cung cấp nền tảng và cơ hội độc đáo cho những người tham gia tìm hiểu, chia sẻ và đưa ra cái nhìn rõ hơn từ quan điểm của họ, tập trung vào các giả thuyết và thực hành tốt nhất.

“Tôi tin rằng, các vấn đề được giải quyết tại hội thảo lần này sẽ được kết hợp trong việc phát triển chương trình học, giảng dạy và đổi mới nghiên cứu. Điều quan trọng là hội thảo tìm kiếm một tầm nhìn chung về cách thức thực hiện những công việc để hướng tới các dự án nghiên cứu chung. Qua đó, nhằm tiếp nhận vai trò mở rộng trong việc thúc đẩy đổi mới, kích thích sự phát triển kinh tế cũng như quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Italia” - PGS.TS Nguyễn Văn Trào nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Văn Trào – Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội phát biểu khai mạc.

PGS.TS Nguyễn Văn Trào – Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội phát biểu khai mạc.

Ông Paolo Epifani - Phó Đại sứ Cộng hòa Italia tại Việt Nam – thông tin: Việt Nam và Italia có truyền thống hữu nghị lâu đời và năm tới chúng ta sẽ kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Năm nay, Đại sứ quán Italia vẫn tổ chức một chương trình với rất nhiều hoạt động. Các sự kiện trong Tuần lễ Ngôn ngữ không thể thiếu vắng sự hợp tác then chốt của Khoa Tiếng Italia – Trường ĐH Hà Nội. “Tuần lễ Ngôn ngữ lần thứ 22 này với chúng tôi thật đặc biệt khi mà nhà trường kỉ niệm tròn 20 năm thành lập của Khoa Tiếng Italia”- ông Paolo Epifani nói.

Theo ông Paolo Epifani, 20 năm qua, số lượng sinh viên liên tục tăng với hai định hướng nghề nghiệp và ngày càng có nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp lựa chọn tiếp tục con đường học tập ở Italia. Đại sứ quán và Bộ Ngoại giao Italia rất tự hào được đồng hành cùng Khoa Tiếng Italia trên chặng đường này cùng với sự góp mặt của Tùy viên văn hóa Maria Benimeo, các khóa đào tạo và tập huấn cho giảng viên, các nguồn học liệu và các suất học bổng dành cho sinh viên.

Ông Paolo Epifani kết thúc bài phát biểu của mình bằng một câu nói của đạo diễn tài ba Federico Fellini: Một ngôn ngữ khác là một cái nhìn khác về cuộc sống.

Tham luận tại hội thảo, GS Valerio De Cesaris - Hiệu trưởng Trường ĐH dành cho người nước ngoài Perugia (Italia) – chia sẻ: Những năm qua, nhà trường đã đón rất nhiều sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đến học tập tại trường, trong đó có rất nhiều sinh viên đến từ Việt Nam.

Thực tế, việc nghiên cứu và học ngôn ngữ ngày càng gắn liền với các cơ hội việc làm mà mỗi ngôn ngữ đó mang lại. Song dường như, ở nhiều quốc gia, tiếng Italia chưa mang lại cơ hội việc làm ngay tức thì. Tuy nhiên, nó vẫn rất hấp dẫn và ngày nay vẫn là một trong những ngôn ngữ được nghiên cứu, học tập nhiều nhất trên thế giới.

Ông Paolo Epifani - Phó Đại sứ Cộng hòa Italia tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Ông Paolo Epifani - Phó Đại sứ Cộng hòa Italia tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Theo GS Valerio De Cesaris, không giống như các ngôn ngữ khác được phổ biến chủ yếu nhờ vào sự mở rộng lãnh thổ hoặc giao thương kinh tế giữa các quốc gia, tiếng Italia được lan tỏa như một phương tiện truyền bá cho một nền văn hóa.

Tuy nhiên, để đưa thương hiệu Italia đến gần hơn với người tiêu dùng trên toàn cầu thì cần có sự hiện diện của khía cạnh văn hoá và khả năng giới thiệu nguồn gốc cũng như lịch sử của các sản phẩm có chất lượng hàng đầu đến từ quốc gia này.

“Ngôn ngữ Italia là phương tiện truyền tải văn hoá, vẻ đẹp và phong cách sống được thể hiện thông qua các sản phẩm Made in Italy” - GS Valerio De Cesaris nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ