Chào anh Bích, chị Hoa! Nếu nói anh chị là đôi vợ chồng chăm học nhất tỉnh Phú Thọ có quá không?
Chồng:
Nguyễn Hữu Bích - Cán bộ Phòng Đào tạo Bồi dưỡng – Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ. Hiện đang công tác ở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học viên HANU – VU MTESOL khóa 2011 – 2013.
Chồng:
Nguyễn Hữu Bích - Cán bộ Phòng Đào tạo Bồi dưỡng – Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ. Hiện đang công tác ở Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học viên HANU – VU MTESOL khóa 2011 – 2013.
Vợ: Nguyễn Thị Mai Hoa – Giáo viên tiếng Anh Trường THPT Chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ. Học viên HANU-VU MTESOL khóa 2011 – 2013.
Chị Nguyễn Thị Mai Hoa: Chào bạn! Thực ra chăm nhất hay không thì không biết được! Nhưng mà sau khi tốt nghiệp HANU-VU MTESOL thì đi đâu cũng được gọi là đôi vợ chồng “bá đạo”, vì có bằng Thạc sĩ quốc tế ở tỉnh cùng lúc, trong khi làm mấy việc lớn: xây nhà, sinh con. Người ta không tưởng tượng được là vợ chồng mình có thể làm như thế. Mà chính mình bây giờ bảo cho làm lại chắc cũng không dám làm.
Thế anh hay chị là người lựa chọn khóa học HANU-VU MTESOL này ạ?
Hai vợ chồng: Chị!!! (cười)
Chị Nguyễn Thị Mai Hoa: Chị tìm thông tin về các khóa liên kết ở Đại học Hà Nội. Và đã chọn khóa HANU-VU MTESOL. Đại học Victoria (Australia) thì có tiếng. Còn thời gian học gọn gàng so với các khóa thạc sĩ trong nước. Sang năm thứ 2, mỗi môn học chỉ mất 10 buổi lên lớp. Chưa kể là khóa này tiêu chuẩn đầu vào, đầu ra đều cao nên ai là giáo viên, học xong sẽ không phải kiểm tra Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc nữa. Rất nhiều cái lợi! Nhưng học khó, nên chị xui anh Bích thi trước, học trước để… “chuột bạch”!
Cả nhà cùng xuống Hà Nội dự lễ tốt nghiệp HANU-VU MTESOL của hai vợ chồng |
Khi bắt đầu vào học thì anh chị có thấy khác so với suy nghĩ của mình không?
Anh Nguyễn Hữu Bích: Được học rất nhiều môn mới chuyên sâu về học thuật. Khối lượng kiến thức mới rất lớn, nếu chủ quan là phải làm lại bài. Mà không học tốt ở học phần 1 thì không thể học được các môn ở học phần 2.
Chẳng hạn, HANU-VU MTESOL có lẽ là chương trình đầu tiên dạy môn Language Testing & Assessment (Kiểm tra – Đánh giá). Ở Việt Nam khi đó chỉ có hai giáo viên tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành này. Môn này sẽ hỗ trợ môn Evaluation (Đánh giá) của học phần 2. Còn môn Academic Writing (Kỹ năng viết hàn lâm) ứng dụng cho tất cả các môn khác.
Chị Nguyễn Thị Mai Hoa: Sợ nhất là lúc nộp bài hết môn và kiểm tra bằng phần mềm tính % “đạo văn”. Mình bảo chồng: “Em sợ quá! Bài mà lên 25% (giới hạn trích dẫn) thì chết mất anh ạ”. May mà chỉ 23% thôi. Thực lòng, lúc ấy chỉ cần “Pass” (qua) thôi là mừng lắm rồi. Nhưng không ngờ cả hai vợ chồng đều được 1 môn điểm High Distinction (Xuất Sắc), và 2 môn Distinction (Giỏi).
Anh Nguyễn Hữu Bích, đại diện khóa học, phát biểu trong lễ tốt nghiệp |
Quay trở lại với chuyện “bá đạo” vừa học, vừa xây nhà, sinh con của anh chị. Anh chị làm thế nào mà giỏi thế?
Chị Nguyễn Thị Mai Hoa: Ôi, phải nói là trường thiên vất vả! Sang học phần 2, chị mang bầu. May mà sang học phần này, học dồn 10 ngày mỗi môn, nên có thời gian sinh con. 3 ngày trước khi sinh chị còn tranh thủ làm bài hết môn thứ 1. Thế mà môn ấy lại là môn điểm cao nhất! Sinh xong đúng lịch lại xuống học môn thứ 2, thuê phòng ngay trong trường. Đấy có lẽ lại là thời gian nhàn nhất, có mẹ chị xuống hỗ trợ nên chỉ phải cho con bú và học thôi. (Cười)
Sang môn thứ 3 mới gọi là khủng khiếp! Còn 2 ngày nữa là xuống Hà Nội học môn thứ 3 thì chị bị gãy chân. Bó bột xong là hôm sau hai tay hai nạng, vai vác sách vở lên xe khách. Anh Bích học xong rồi, nên mình chị, ngày nào cũng dậy từ 4h sáng, 4h30 ra bến xe, xuống Mỹ Đình rồi lên xe máy của học sinh cũ đến Đại học Hà Nội. Cô Jo sáng nào cũng có mặt ở chân cầu thang, chờ các bạn cõng chị lên 3 tầng nhà. Buổi trưa chị chẳng kịp ăn uống gì, lại xách nạng ra Mỹ Đình, về còn cho con bú.
Chị Nguyễn Thị Mai Hoa với cô giáo Jo Winckle (Đại học Victoria – Australia) |
Chị quả là “anh hùng”. Thế đi học vất vả thế, chị thấy kết quả có được ưng ý không?
Chị Nguyễn Thị Mai Hoa: Có chứ. Trước hết là về đề tài của chị: Áp dụng phương pháp “Trao đổi nhóm” khi học Nghe – Nói tiếng Anh ở học sinh cấp 3. Nghe – Nói vốn là điểm yếu với học sinh tỉnh lẻ. Càng vùng sâu, vùng xa càng khó. Để các em tự tin, không ỷ lại bạn giỏi khi làm việc nhóm, mình phải giao bài tập chung dưới dạng tranh vẽ, powerpoint và thuyết trình. Các nhóm phản biện lẫn nhau và thay đổi liên tục nên các em yếu cũng phải tham gia.
Sau khi tốt nghiệp khóa HANU-VU MTESOL, đề tài này lại rất hợp với chương trình tiếng Anh thí điểm. Chị nâng yêu cầu lên cao một chút, cho các nhóm đóng hoạt cảnh rồi quay lại bằng điện thoại di động. Cũng không ngờ là càng làm, các em càng sáng tạo. Rất nhiều từ khóa trong một clip vài phút đó, mà hài hước, hấp dẫn. Đến giờ em nào cũng háo hức vì việc mắc lỗi không đáng sợ bằng việc không được thể hiện vốn tiếng Anh.
Nghe rất tuyệt đấy ạ! Thế ngoài nâng cao nghiệp vụ, bằng cấp của khóa HANU-VU MTESOL có hỗ trợ anh chị điều gì nữa không?
Anh Nguyễn Hữu Bích: Cả trường cấp 3 của chị Hoa chỉ có chị là không phải thi Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc nữa. Chị Hoa là giáo viên cấp 3 duy nhất ở lớp HANU-VU MTESOL. Nhiều bạn là giảng viên hợp đồng của các trường Đại học được vào biên chế ngay sau khi học xong khóa này, có người còn lên trưởng bộ môn, phó hiệu trưởng… Bản thân anh cũng được những kiến thức ở HANU-VU MTESOL hỗ trợ rất nhiều trong quản lý. Sau này anh được mời về làm việc ở trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo ở Hà Nội, một phần là nhờ khẳng định được năng lực sau khóa học này.
Chị Nguyễn Thị Mai Hoa: Chị thì hạnh phúc vì HANU-VU MTESOL không chỉ mang lại một tấm bằng, mà còn cả cơ hội nâng cao trình độ lâu dài. Mình có một mạng lưới đồng nghiệp rộng khắp và các thầy cô giáo vẫn hỗ trợ cựu học viên như lúc học. Nhờ vậy, kiến thức, kinh nghiệm của mình tiếp tục nâng cao.
Chút nữa, chị sẽ đi gặp một thầy giáo của khóa HANU-VU MTESOL để trao đổi về đề tài khoa học đang nghiên cứu. Nhiều người nghĩ là điều này không quan trọng với giáo viên cấp 3, nhưng các chương trình tiếng Anh trong nhà trường đang vận động, đổi mới, nếu mình không nâng cao tay nghề sẽ khó nắm bắt kịp. Chương trình tiếng Anh cấp 3 thực nghiệm vừa áp dụng cũng chuẩn khớp với những phương pháp học được ở khóa HANU-VU MTESOL. Nhờ khóa học này, mình tự tin lên rất nhiều.
Hai cha con chụp cùngTrưởng Khoa, Khoa Giáo dục, Đại học Victoria (Australia) - ngoài cùng bên phải - và giảng viên chương trình HANU-VU MTESOL |
Vợ chồng anh chị Nguyễn Hữu Bích – Nguyễn Thị Mai Hoa nhận bằng trong lễ tốt nghiệp khóa HANU-VU MTESOL |
Anh chị đúng là tấm gương học tập, ví dụ điển hình cho câu “thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”! Xin cảm ơn anh chị về những chia sẻ thú vị này. Chúc anh chị tiếp tục cùng nhau chinh phục những thử thách lớn khác trong nghiệp vụ và cuộc sống!