'Tháo gỡ' tình trạng thiếu thuốc tại bệnh viện

GD&TĐ - Tình trạng thiếu thuốc xảy ra tại nhiều bệnh viện từ giữa năm 2022. Chính phủ và Bộ Y tế đã nhiều lần chỉ đạo giải quyết.

Ngày 23/2, Bệnh viện Việt Đức cho biết chỉ còn đủ hóa chất khí máu dùng một tuần, hóa chất ghép tạng hai tuần. Ảnh minh họa
Ngày 23/2, Bệnh viện Việt Đức cho biết chỉ còn đủ hóa chất khí máu dùng một tuần, hóa chất ghép tạng hai tuần. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, gần đây, nhiều bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy tiếp tục phản ánh tình trạng này.

Cần giải quyết dứt điểm

Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Công điện nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện việc mua sắm, cung ứng đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập ở Trung ương, địa phương thiếu thuốc, trang thiết bị y tế cục bộ. Điều đó ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền lợi của người dân khi khám, chữa bệnh.

Trước bối cảnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc pháp lý trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế.

Trong đó, tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Đồng thời, rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà, khó khăn cho việc thực hiện thủ tục mua sắm thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ khám chữa bệnh.

Đẩy nhanh tiến độ cấp phép lưu hành đối với thuốc, trang thiết bị y tế. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế thực hiện theo pháp luật.

Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính kịp thời hướng dẫn các đơn vị, các cơ sở y tế, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở một số cơ sở khám, chữa bệnh trong quý I/2023. Tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, kéo dài không dám chịu trách nhiệm.

Cùng với đó, khẩn trương rà soát, đánh giá cụ thể việc tiếp nhận máy móc, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng do tổ chức, cá nhân tặng, cho, đóng góp, tài trợ, viện trợ cho các cơ sở y tế sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh.

Trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan có liên quan đề xuất giải pháp cụ thể để đưa các trang thiết bị này vào sử dụng tránh lãng phí các nguồn lực, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng những vấn đề vướng mắc. Khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân trong tháng 3.

Nhiều bệnh viện “kêu cứu”

Tình trạng thiếu thuốc xảy ra tại nhiều bệnh viện từ giữa năm 2022. Lãnh đạo Chính phủ và Bộ Y tế đã nhiều lần chỉ đạo giải quyết. Tuy nhiên, gần đây, nhiều bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy tiếp tục phản ánh tình trạng này. Cụ thể, Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy phải gửi bệnh nhân đến cơ sở khác chụp chiếu do vướng mua sắm máy móc, hóa chất xét nghiệm.

Bệnh viện Chợ Rẫy thiếu hoặc phải dừng hoạt động nhiều trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như: Máy chụp cắt lớp vi tính (CT), máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler màu.

Nhiều mặt hàng được Bệnh viện Bạch Mai ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu. Song, đến nay, hàng vẫn không được giao do giấy phép nhập khẩu hết hạn. Ví dụ, vật tư ECMO, ống trợ giúp can thiệp động mạch vành, bóng nong động mạch vành.

Trong khi đó, ngày 23/2, Bệnh viện Việt Đức cho biết chỉ còn đủ hóa chất khí máu dùng một tuần, hóa chất ghép tạng hai tuần. Từ 1/3, bệnh viện hạn chế mổ xếp lịch để ưu tiên cấp cứu. Đồng thời, chỉ chỉ định xét nghiệm khi thật sự cần thiết do thiếu vật tư, hóa chất.

Trước tình trạng nhiều bệnh viện trên cả nước đang rơi vào tình trạng thiếu vật tư, thiết bị y tế, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ các giải pháp tháo gỡ. Cơ quan này kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược, xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với các thuốc hiếm, cần thiết cho điều trị.

Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP. Bộ Y tế cũng kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục sửa đổi Thông tư 58/2016/TT-BTC. Trong đó, hướng dẫn cụ thể một số khái niệm như dự toán mua sắm với dự toán thu chi để tránh gây nhầm lẫn, không thống nhất…

Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022, trả lời về tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ vẫn đang tiếp tục khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường năng lực cũng như hiệu quả của công tác mua sắm, đấu thầu.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế, nhất là đối với các thuốc hiếm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cũng như danh mục thuốc đàm phán giá.

Bộ Y tế cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế công tác quản lý trang thiết bị y tế và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa Luật Dược.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ