Giải quyết tình trạng thiếu thuốc kéo dài

GD&TĐ - Bộ trưởng Y tế trình bày tờ trình Chính phủ về việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Báo cáo kết quả triển khai thực hiện các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 quy định tại Nghị quyết số 30, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát trên cả nước, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”. Qua đó, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Nghị quyết số 30 đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Chính phủ đã chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp theo quy định tại Nghị quyết số 30 góp phần kiểm soát thành công tình hình dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch kịp thời, đúng đắn tại những thời điểm quyết định.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát trên cả nước.

Chia sẻ về những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, việc ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm; công tác tuyên truyền, phổ biến có lúc chưa kịp thời. Một số địa phương còn ban hành quy định gây bức xúc trong xã hội (như quy định về giấy đi đường, lưu thông hàng hóa, hàng hóa thiết yếu...); thực hiện các biện pháp hạn chế còn chưa thống nhất. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, chưa tính hết yêu cầu thực tiễn, chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng trình bày tờ trình của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực trước Ủy ban Xã hội Quốc hội vào cuối năm 2022.

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc nếu không thuộc trường hợp bị thu hồi giấy đăng ký để kịp thời giải quyết tình trạng thiếu thuốc. Hiện có trên 9.200 số đăng ký sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2022. Chỉ riêng ngày đầu tiên của năm 2023, trên 40% số lượng thuốc trên thị trường (trên tổng số 21.000 loại) sẽ có nguy cơ không thể lưu hành.

Tại Phiên họp thứ 18 mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trước ngày 1/1 mà không kịp làm thủ tục gia hạn theo quy định của Luật Dược nhằm giải quyết tồn đọng trong xử lý hồ sơ gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Tình trạng nhiều thuốc hết hiệu lực đăng ký lưu hành nhưng chưa được gia hạn trở nên trầm trọng từ năm 2020 đến nay. Theo báo cáo 1647/BC-BYT ngày 7/12/2022 của Bộ Y tế, hiện nay mỗi tháng cơ quan chức năng dự kiến xử lý được khoảng 500 hồ sơ gia hạn, mỗi năm chỉ có thể xử lý tối đa được khoảng 6.000 hồ sơ gia hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, theo báo cáo của các doanh nghiệp dược trong và ngoài nước, trong năm 2022 chỉ có 453 hồ sơ thuốc ngoại nhập và 543 hồ sơ thuốc nội địa được gia hạn.

Việc tiếp tục duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành sẽ không tác động đáng kể đến việc thu phí thẩm định/ngân sách nhà nước (phần lớn đối tượng duy trì là các thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã nộp phí thẩm định hồ sơ gia hạn) cũng như an toàn, chất lượng của thuốc. Không chỉ giúp ổn định cung ứng thuốc cho bệnh nhân và bác sĩ, mà nó còn thiết lập lại khả năng dự báo và niềm tin của các doanh nghiệp dược trong và ngoài nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý đây chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt để khắc phục tình trạng tồn đọng hồ sơ gia hạn thuốc và đề nghị Chính phủ nhận diện, đánh giá đúng và trúng các nguyên nhân để có giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành này, cũng như có hiệu lực thi hành ngay lập tức là hết sức cấp thiết, để tránh lặp lại kịch bản “thiếu thuốc” năm 2022. Việc duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành theo các Nghị quyết 30, 12, Nghị định 29 trong năm 2022 thực chất chỉ có hiệu lực triển khai trong vòng hơn 6 tháng. Do đó, việc tái lập lại chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy hầu như không thực hiện được vì để sản xuất, hoặc nhập khẩu thuốc, cần ít nhất 3-6 tháng cho đến lúc thuốc đến được với bệnh nhân.

Trên thực tế, thủ tục gia hạn hiệu lực giấy đăng ký thuốc là một thủ tục đã được xác định và phê duyệt bãi bỏ, đơn giản hóa tại quyết định 1661/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng. Trong đó ghi rất rõ thủ tục này không cần thiết và không có ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc.

Việc ban hành và triển khai ngay nghị quyết cho phép tiếp tục áp dụng biện pháp duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc có hiệu lực từ ngày 1/1. Qua đó, góp phần đảm bảo mục tiêu an ninh cung ứng thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ