Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, Đại biểu Quốc hội khóa 14 - chia sẻ như vậy khi nói về việc chuẩn bị Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới từ năm 2020 của địa phương.
- Bà có lo lắng về đội ngũ khi thời điểm triển khai Chương trình GDPT mới đã rất gần?
Đến cuối năm học 2018 – 2019, bậc mầm non và phổ thông tỉnh Vĩnh Long có trên 14.000 biên chế; trong đó cấp tiểu học trên 5.000 biên chế; cấp THCS trên 4.000 biên chế và cấp THPT trên 2.000 biên chế. Cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV) có trình độ trên chuẩn trên 73%.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh |
Có thể nói, chất lượng đội ngũ bậc học mầm non, phổ thông từng bước được nâng cao về nhiều mặt, có bản lĩnh chính trị vững vàng; có phẩm chất đạo đức tốt; trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng được nâng cao; cơ cấu tương đối đồng đều. Đội ngũ từng bước được rà soát, sắp xếp ổn định, khắc phục dần tình trạng thừa thiếu cục bộ. Tỷ lệ GV/lớp ở các cấp học phổ thông đều được giảm tiệm cận với tỷ lệ GV/lớp theo định mức quy định. Vị trí việc làm ở mỗi cấp học, bậc học được quan tâm bố trí đúng cơ cấu, số lượng và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Mặc dù vậy, phải thẳng thắn nhìn nhận, không ít CBQL còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, thiếu nghiên cứu, dự báo tình hình; chưa chủ động tham mưu, tìm tòi các giải pháp khắc phục hạn chế để phát triển đơn vị; năng lực quản trị trường học so với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới và mục tiêu đổi mới giáo dục còn nhiều hụt hẫng.
Một bộ phận GV còn hạn chế trong tiếp cận các phương tiện, thiết bị dạy học hiện đại, phương pháp tổ chức dạy học. Đội ngũ GV cốt cán chưa được bồi dưỡng thường xuyên các năng lực cần thiết để làm nòng cốt trong chuyên môn của từng bộ môn.
Chế độ chính sách đối với GV nhất là giáo viên mầm non chưa đáp ứng tốt nhu cầu cuộc sống trong khi yêu cầu công việc ngày càng cao. Song song đó, mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đặt ra nhiều vấn đề về đời sống, tác động đến tâm lý nghề nghiệp khiến cho một số ít không làm chủ được mình, chưa toàn tâm toàn ý cho nghề nghiệp.
- Vậy giải pháp khắc phục những hạn chế này đã được tính đến?
Nhận thức rõ ưu điểm và hạn chế của đội ngũ, Sở GD&ĐT Vĩnh Long đã tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án “Sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ các trường mầm non, phổ thông công lập giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ cơ bản xây dựng được đội ngũ đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, được bồi dưỡng những năng lực cần thiết để thực hiện Chương trình GDPT mới. 82,1% GV tiểu học trình độ chuyên môn ĐH; 79,9% GV THCS trình độ ĐH trở lên; 18,2% GV THPT có trình độ thạc sĩ trở lên. 100% GV và CBQL cơ sở GDPT được bồi dưỡng năng lực triển khai thực hiện Chương trình, SGK mới. 100% GV, CBQL cơ sở GDPT được bồi dưỡng nâng cao năng lực theo chuẩn nghề nghiệp GV, chuẩn hiệu trưởng, trong đó có 70% đạt mức khá trở lên. 100% GV, CBQL GDPT cốt cán được bồi dưỡng năng lực hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên, liên tục ngay tại trường…
Ảnh minh họa/ Internet |
- Trong giải pháp tổng thể về đội ngũ, vấn đề thừa thiếu giáo viên của Vĩnh Long được giải quyết như thế nào, thưa bà?
Vĩnh Long sẽ thực hiện rà soát, quy hoạch đội ngũ GV bám sát lộ trình sắp xếp quy mô trường lớp của từng địa phương giai đoạn 2019 - 2025. Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục và từng địa phương sẽ xác định cụ thể biên chế thừa, thiếu trong từng năm học để có kế hoạch sắp xếp, tuyển dụng hợp lý, mục tiêu đến năm 2021 cơ bản sắp xếp ổn định tình trạng thừa - thiếu cục bộ đội ngũ.
Đối với cấp tiểu học sẽ chuẩn bị tốt về đội ngũ để áp dụng Chương trình GDPT mới bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1. Chỉ ưu tiên tuyển dụng GV tiểu học, GV Tiếng Anh, Tin học còn thiếu và tuyển dụng thay thế GV nghỉ hưu. Cấp THCS và THPT, tiếp tục thực hiện đề án tinh giản biên chế, sắp xếp chuyển GV từ nơi thừa đến nơi thiếu, cử GV có đủ tiêu chuẩn để làm Tổng phụ trách Đội theo thời hạn quy định thay cho tuyển dụng, từ năm học 2022 - 2023 tuyển dụng mới GV dạy môn Nghệ thuật để áp dụng chương trình lớp 10.
- Nói chung về công tác chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT mới, đến nay Vĩnh Long đã sẵn sàng?
Thực hiện lộ trình triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT đã tham mưu Chủ tịch UBND Vĩnh Long ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình GDPT. Trong đó, thống nhất quan điểm triển khai thực hiện gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu về phát triển GD-ĐT theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các chương trình, đề án, dự án phát triển GD-ĐT của địa phương; huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện Chương trình GDPT.
UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở GD&ĐT và các sở ban ngành liên quan để triển khai thực hiện các nhiệm vụ: Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về thực hiện Chương trình GDPT; rà soát, bảo đảm đội ngũ CBQL, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng và có chất lượng nhất là đối với lớp 1; bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện Chương trình GDPT; xây dựng tài liệu và triển khai nội dung giáo dục địa phương. Đến nay, Sở GD&ĐT đang phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để triển khai các công việc này.
Về phía Sở GD&ĐT, sau khi Bộ GD&ĐT có kế hoạch và triển khai việc bồi dưỡng đội ngũ, sở sẽ chọn lọc CBQL, GV để bồi dưỡng đồng thời triển khai thực hiện các đề án của ngành đã được phê duyệt về công tác bồi dưỡng đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất, công nghệ thông tin.
Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, sở đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Chương trình GDPT mới theo lộ trình triển khai của Bộ GD&ĐT và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
- Xin cảm ơn bà!