Theo Kế hoạch, Chương trình “Sóng và máy tính cho em” gồm 3 nội dung: Bảo đảm việc phủ sóng di động; hỗ trợ máy tính phục vụ học trực tuyến; một số hỗ trợ khác cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và tổ chức dạy, học trực tuyến.
Cụ thể, triển khai phủ sóng toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Sau đó, phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối internet di động trên toàn quốc.
Về hỗ trợ máy tính phục vụ học trực tuyến, trong năm 2021 huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là con trong gia đình có bố hoặc mẹ mất do dịch Covid-19 và chưa có máy tính để học trực tuyến trên toàn quốc.
Giai đoạn 2 (từ năm 2022-2023), tiếp tục phát động Chương trình để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cần nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính đển có thể học trực tuyến.
Một số hỗ trợ khác cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và tổ chức dạy, học trực tuyến, cụ thể như sau:
Miễn phí 100% sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố;
Miễn phí data 4Gb/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là con trong gia đình có bố hoặc mẹ mất do dịch Covid-19 và chưa có máy tính để học tập trực tuyến khi được tăng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến;
Hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến, bao gồm: máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học trực tuyến.
Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ GD&ĐT khi triển khai thực hiện cũng được quy định rõ trong Kế hoạch phối hợp.