Thanh xuân vất vả, mà mến thương

Thanh xuân vất vả, mà mến thương

Trong ký ức của những người dân Việt Nam, thì thời hậu chiến không chỉ hoàn toàn là niềm vui chiến thắng, mà còn biết bao cảm xúc thật phức tạp của những người lính trở về quê hương, với những day dứt của niềm sống khi đồng đội của mình đã vĩnh viễn không trở về. 

Nỗi thất vọng của những gia đình khi con trai họ vẫn bặt tin dù đất nước đã thống nhất. Nỗi trăn trở phải làm gì để dựng xây đất nước…

Làm gì cho đất nước?

Thanh xuân vất vả, mà mến thương ảnh 1

Với chủ đề Ơi cuộc sống mến thương, chương trình Quán thanh xuân (VTV1) tháng 6/2020 đã đưa khán giả cùng quay ngược lại quá khứ. Đó là những năm sau giải phóng, khi đất nước còn bộn bề gian khó, khi lòng người còn ngổn ngang cảm xúc: vừa vui vì chiến thắng, vừa háo hức về lại quê hương và cả những trăn trở làm gì cho đất nước.... Để rồi dẫu cuộc sống hôm nay tuy vất vả, nhưng cuộc đời ơi ta mến thương...

Quán thanh xuân mở ra với những trích đoạn phim hình ảnh hai miền Nam Bắc sau giải phóng, hình ảnh những người lính trở về quê hương,hình ảnh những người cựu tù Côn Đảo trong vòng tay người thân và trở lại cuộc sống thường nhật, những người tập kết về lại miền Nam… Sau bao nhiêu đợi chờ, mùa đoàn tụ hạnh phúc đã đến cùng với niềm vui hòa bình?

Những khách mời đặc biệt của chương trình đã chia sẻ các câu chuyện thực của họ thời hậu chiến: Đó là câu chuyện của một đại diện những người lính phục viên về Bắc, cựu binh Võ Minh, người đã nhập ngũ khi 17 tuổi, chứng kiến biết bao bom đạn, bao nhiêu người bạn đã hi sinh trước cửa ngõ của Sài Gòn. Và chỉ khi hòa bình rồi, mới thấy thấm thía, mới thấy giá trị của những đêm ngủ không lo bom đạn bất ngờ.

Là câu chuyện của những người con tập kết ra Bắc về lại miền Nam, với đại diện là nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.Phải tới năm 20 tuổi chàng sinh viên văn khoa mới đặt chân đến miền Nam - quê hương của cha mẹ anh, thấy một cuộc sống hoàn toàn khác, lần đầu được chứng kiến những khung cảnh trước đây chỉ nghe qua lời kể của ba mẹ. Thậm chí ruột thịt gặp nhau mà ông bà chẳng hiểu cháu nói gì vì cháu giọng Bắc...

Sau giải phóng, ngày 31/12/1976 chính thức thông tàu hai đầu Nam Bắc mở ra những đường tàu mùa xuân - chở bao yêu thương và xóa nhòa những xa cách, nhung nhớ. Bài hát tiêu biểu chính là Tàu anh qua núi.

Khán giả của Quán thanh xuân bồi hồi xúc động khi được biết vì sao mà có một con tàu mỗi lần qua đèo Hải Vân đều kéo một hồi còi dài. Nghệ sĩ Thanh Hoa đã kể rằng, hồi còi đó là của người lái tàu, một cựu binh dành cho người yêu của mình, cô gái thanh niên xung phong đã ngã xuống và vĩnh viễn nằm lại tại đèo Hải Vân. Và đó chính là khởi nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phan Lạc Hoa viết ca khúc đi cùng năm tháng này. Và ta hiểu, bên cạnh niềm vui sum vầy là rất nhiều những người đã không kịp hưởng hạnh phúc của hòa bình. Nhưng chính vì thế, người ta sẽ sống cho cả phần những người đã mất.

Cuộc sống hôm nay tuy vất vả nhưng cuộc đời ơi ta mến thương

Thanh xuân vất vả, mà mến thương ảnh 2

Đi qua những nỗi lo, những con người đi qua cuộc chiến giờ lại đổ mồ hôi trên những nông trường, kiến thiết đất nước: vừa đoàn tụ, mọi người lại tỏa đi những vùng kinh tế mới.

NSND Lan Hương (Hương Bông) là một diễn viên gắn bó hơn 40 năm với sân khấu và điện ảnh. Lớn lên sau hoà bình, được đi học được có điều kiện phát triển sự nghiệp, những nhân vật mà Hương Bông hoá thân khá nhiều người là nữ TNXP hay vợ bộ đội, những số phận rất điển hình cho thời đoạn hậu chiến. Khán giả của Quán thanh xuân đã được nghe những câu chuyện hậu trường nghề diễn khi nữ nghệ sĩ “tua” lại thời thanh xuân trong nghệ thuật của mình.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên chia sẻ, âm nhạc chính là một trong những nguồn động viên tinh thần "dựng nhà, dựng vườn" của thanh niên thời đó. Âm nhạc thời bấy giờ gắn với các phong trào, động viên nhau đi qua khó khăn.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân miêu tả tâm trạng của những người trẻ đi xây dựng các nông trường ở phía Nam, lúc đầu bao khó khăn, bao sự khó hòa nhập, nhưng sau lại nảy sinh rất nhiều mối quan hệ bạn bè, tình yêu...

Từ hàng ghế khán giả, có hai vị khách mời đặc biệt. Đó là ông Phạm Công Tuấn và bà Nguyễn Thị Biển. Cả hai quê Thanh Miện, Hải Dương, đi xây dựng vùng kinh tế mới tại Gia Lai từ những năm 80, gặp nhau và yêu nhau, kết hôn và sinh con tại vùng đất mới - quê hương thứ hai của họ. Từ đó lại mở ra những câu chuyện về những em bé sinh ra thời hậu chiến, những tác phẩm viết riêng cho thiếu nhi, phong trào nhạc cho thiếu nhi - thanh thiếu niên...

Quán thanh xuân tháng 6 với chủ đề Ơi cuộc sống mến thương đã khắc họa cả một vệt thời gian đặc biệt của đất nước. Bên cạnh niềm vui đoàn tụ, bình yên luôn tồn tại những day dứt thời hậu chiến, những nỗi buồn khi trở về quê… Tuy nhiên, người ta vẫn luôn yêu và giữ được niềm hy vọng, hy vọng vào nhau, vào tương lai - vì cuộc sống vẫn mến thương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.