Thanh Trì (Hà Nội): Mua sắm phương tiện PCCC hay đốt tiền ngân sách?

GD&TĐ - Gói thầu mua sắm các phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) có tổng giá trị hơn 8 tỷ đồng vừa được UBND huyện Thanh Trì thông qua, hiện đang vấp phải nhiều ý kiến về việc một số loại bình PCCC bị “thổi giá” lên nhiều lần.

Một cửa hàng bán phương tiện PCCC.
Một cửa hàng bán phương tiện PCCC.

Nhằm thực hiện mua sắm trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho 13 đơn vị do ngân sách huyện Thanh Trì - Hà Nội chi, ngày 4/7/2019, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì đã đăng thông báo mời thầu về việc mua sắm này.

Quá trình đấu thầu, Công ty TNHH Một thành viên BCA Thăng Long đã trúng thầu với giá hơn 8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến không đồng thuận với kết quả trúng thầu, bởi có những loại bình chữa cháy nêu trong quyết định phê duyệt có giá “trên trời” và thông số kỹ thuật rất đặc biệt do một công ty ở Hy Lạp sản xuất, mang nhãn hiệu Mobiak, được một công ty tại Việt Nam làm đại diện bán hàng.

Cụ thể, một bình chữa cháy chứa 2,2kg khí CO2 được trúng thầu với giá gần 3 triệu đồng, trong khi một bình như vậy ngoài thị trường có đầy đủ tem kiểm định chất lượng của Cục Cảnh sát PCCC chỉ bán với giá 450.000 đồng. Thậm chí, nhiều sản phẩm khác tương tự còn được chào bán với giá thấp hơn.

Một sản phẩm bình chữa cháy CO2 loại 3kg được chào bán trên thị trường giá 400.000 đồng.
 Một sản phẩm bình chữa cháy CO2 loại 3kg được chào bán trên thị trường giá 400.000 đồng.

Bình chữa cháy xe đẩy loại 50 kg bột ABC của Nhật được giao bán trên thị trường là 12 triệu đồng nhưng loại bình 50 kg bột ABCE Super Dry Power của Hy Lạp lại được phê duyệt trong kết quả trúng thầu với giá trên 37 triệu đồng (?).

Cũng trong kết quả đấu thầu cho thấy, một bộ đồng phục chữa cháy có thông số như trong hồ sơ mời thầu quy định, giá trên thị trường được bán là 1,5 triệu đồng/bộ, nhưng giá trúng thầu lại lên đến hơn 3,7 triệu đồng.

Được biết, hiện nhãn hiệu Mobiak này không được bán phổ biến trên thị trường Việt Nam, nhưng từ năm 2017 đến nay lại được ưa chuộng dành riêng để sử dụng cho các gói thầu mua sắm tại một số quận huyện của Hà Nội.

Đặc biệt, một số sản phẩm của hãng này ghi kí hiệu đặc thù không tương đương với quy định tiêu chuẩn của Việt Nam để đảm bảo so sánh, cạnh tranh. Ví dụ, loại bột chữa cháy trong sản phẩm bình bột chữa cháy Mobiak này được ghi là ABCE Super Dry Power, nhưng theo các chuyên gia PCCC cho biết loại bột ABCE này cũng được sử dụng khá phổ biến ở Nga và một số nước Châu Âu trong khi tiêu chuẩn TCVN 7026:2013 phân loại đám cháy chỉ có loại A, B, C, D và F.

Không hiểu vì lý do gì mà UBND huyện Thanh Trì lại muốn lựa chọn những sản phẩm không phổ biến và không phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam để phục vụ công tác PCCC ở địa phương như vậy?

Tại sao cùng là sản phẩm chữa cháy khí CO2 có thông số kĩ thuật tương đương, nhưng UBND huyện Thanh Trì lại không ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam có giá rẻ hơn rất nhiều. Đặc biệt, việc sử dụng hàng Việt Nam còn hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, tiết kiệm ngân sách mà hiệu quả chữa cháy vẫn đảm bảo.

Điều đáng nói, sản phẩm bình chữa cháy dạng bột ABCE Super Dry Power ngoài có giá cao hơn nhiều so với các bình chữa cháy dạng bột loại khác có cùng trọng lượng thì bình  ABCE Super Dry Power hiện không đúng với quy định tiêu chuẩn Việt Nam, vậy UBND huyện Thanh Trì căn cứ vào đâu để  thẩm định chất lượng sản phẩm?

Với hàng loạt sản phẩm đã được UBND huyện Thanh Trì phê duyệt trong gói thầu PCCC có giá cao hơn giá thị trường đến 4-5 lần như vâỵ, phải chăng địa phương này đang “chơi sang” để đốt tiền ngân sách?.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.