Thành trì cuối cùng

GD&TĐ - Bất chấp xu thế sống chung với Covid-19 này, Trung Quốc vẫn kiên trì với chính sách “Zero Covid” bằng mọi giá vốn đã duy trì kể từ năm 2020 đến nay.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngày 17/5, chính quyền thành phố Thượng Hải thông báo đã đạt được mục tiêu “Zero Covid” trở lại ở tất cả các quận của đô thị lớn nhất Trung Quốc này, sau một thời gian chống đỡ với đợt lây lan virus nghiêm trọng chưa từng thấy.

Trong bối cảnh Triều Tiên vốn sạch bóng Covid-19 trong hơn 2 năm qua nay đang phải đối mặt với đợt dịch đầu tiên, thì Trung Quốc lại trở thành “thành trì cuối cùng” của thế giới còn giữ được chính sách theo đuổi quét sạch virus khỏi cộng đồng. Trong khi đó, hiện thế giới đều đã tái mở cửa gần như hoàn toàn và nhiều nước coi Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Bất chấp xu thế sống chung với Covid-19 này, Trung Quốc vẫn kiên trì với chính sách “Zero Covid” bằng mọi giá vốn đã duy trì kể từ năm 2020 đến nay. Tại Thượng Hải, dù chính quyền thành phố tuyên bố đã đạt mục tiêu không còn virus nhưng đó là trong cộng đồng, còn bên trong các khu cách ly phong tỏa vẫn có hơn 1.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Do đó, dù Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Thượng Hải Triệu Đan Đan hôm 17/5 tuyên bố tất cả 16 quận của thành phố đều đã sạch bóng Covid-19 trong cộng đồng và bắt đầu bước sang giai đoạn dần mở cửa trở lại, thì vẫn có khoảng 3,8 triệu người khác ở thành phố đang tiếp tục phải thực hiện lệnh phong tỏa phòng dịch khắt khe.

Điều này đồng nghĩa là không trường hợp nào trong số hơn 1.000 ca mắc mới mỗi ngày hiện nay tại Thượng Hải được ghi nhận bên ngoài các khu vực cách ly. Theo kế hoạch, Thượng Hải sẽ dỡ bỏ phong tỏa từ ngày 1/6 trong một kế hoạch chia làm 3 giai đoạn để dần đưa trung tâm tài chính, kinh tế của Trung Quốc trở lại bình thường vào cuối tháng 6.

Để duy trì liên tục chiến lược chống dịch với mục tiêu không có các ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng, Trung Quốc đã phải đóng cửa biên giới trong suốt hơn 2 năm qua, tiến hành xét nghiệm hàng loạt hàng trăm triệu người, phong tỏa nhanh chóng cả một thành phố hàng triệu dân nếu cần thiết và kiên quyết cách ly tất cả các trường hợp dương tính với virus.

Chiến lược chống dịch vô cùng tốn kém mà trên thế giới chỉ còn Trung Quốc có thể thực hiện này vẫn được kiên định duy trì, ngay cả khi nền kinh tế bị ảnh hưởng và tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng gia tăng.

Khi làn sóng lây lan tại Thượng Hải đã dịu xuống, tình hình tại Bắc Kinh vẫn tiếp tục căng thẳng khi người dân các quận được xét nghiệm hàng loạt hầu như mỗi ngày, sau khi thành phố ghi nhận hàng chục ca mắc hàng ngày.

Hàng triệu người ở thủ đô Trung Quốc đang được yêu cầu làm việc tại nhà và các dịch vụ vận tải bị đình chỉ để phòng chống sự lây lan của virus. Hiện người dân ở đây đứng trước khả năng có thể phải chịu các biện pháp phong tỏa phòng dịch nghiêm ngặt như đã áp dụng tại Thượng Hải trong những tháng vừa qua. Tất cả các biện pháp không đâu có trên thế giới này nhằm hướng đến mục tiêu hoàn toàn không có virus trong cộng đồng mà Trung Quốc vẫn theo đuổi.

Trong khi đó, một quốc gia từng duy trì được “Zero Covid” trong suốt hơn 2 năm qua là Triều Tiên cũng đang phải đối phó với đợt lây lan đầu tiên và nghiêm trọng chưa từng có. Lực lượng quân đội hùng hậu của nước này đang được huy động để thực hiện các biện pháp khẩn cấp, nhằm ngăn chặn làn sóng lây lan của virus tại thủ đô Bình Nhưỡng, nơi có hàng triệu người được ghi nhận là “sốt bất thường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.