Thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của UBND tỉnh Thanh Hóa: Nhiều hạn chế, sai sót cần khắc phục

GD&TĐ - Kết luận thanh tra số 1080/KL-BGDĐT về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của UBND tỉnh Thanh Hóa năm 2019, 2020 của Bộ GD&ĐT đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, thiếu sót... cần khắc phục.

Còn những sai sót, hạn chế trong quản lý tại trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa)
Còn những sai sót, hạn chế trong quản lý tại trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa)

Ghi nhận ưu điểm

Theo Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT-Nguyễn Đức Cường ưu điểm trong trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của UBND tỉnh Thanh Hóa năm 2019, 2020 đó là: UBND tỉnh đã ban hành hệ thống văn bản đồng bộ, tương đối đủ theo quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND tỉnh trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là các chính sách ưu tiên đối với ngành giáo dục;

Công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp và phát triển giáo dục địa phương đã được quan tâm. Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa là đơn vị chủ trì về công tác quy hoạch giáo dục đã chủ động tham mưu trong việc ban hành chính sách, hướng dẫn, đánh giá, đề xuất điều chỉnh thực hiện quy hoạch trên địa bàn toàn tỉnh.

Các Phòng GD&ĐT đã chủ động tham mưu, đề xuất, đánh giá việc triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp tại địa phương. Đến năm học 2020 - 2021 hệ thống trường mầm non và phổ thông cơ bản được sắp xếp lại theo lộ trình đã đề ra.

Mặt khác, các văn bản quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách, đầu tư trong lĩnh vực GD&ĐT của địa phương đã quy định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên, phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn đầu tư công;

Quy định các khoản thu, mức thu và quản lý, sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập; chỉ đạo các cơ quan chức năng như Sở Tài chính, Sở Kế hoạch- Đầu tư, Sở GD&ĐT và UBND các huyện/thị xã/thành phố hướng dẫn, thực hiện phân bổ kịp thời kinh phí GD&ĐT.

Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm thì trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của UBND tỉnh Thanh Hóa năm 2019, 2020 vẫn còn không ít hạn chế thiếu sót cần khắc phục.

Hàng loạt hạn chế sai sót

Đối với UBND tỉnh Thanh Hóa:

Quyết định số 4762 của UBND tỉnh về định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017 và ổn định đến năm 2020 đã quy định tỷ lệ chi hoạt động giảng dạy và học tập là 10% từ năm 2017; các năm sau tỷ lệ chi hoạt động giảng dạy và học tập theo Quyết định số 4762 chưa được điều chỉnh để phù hợp với Quy định khác của Thủ tướng và Chính phủ.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng thực hiện phân cấp quản lý ngân sách chi thường xuyên sự nghiệp GD&ĐT chưa đúng với quy định.

Năm 2019, 2020, UBND tỉnh đã chuyển kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp GD&ĐT sang chi đầu tư phát triển, tổng số tiền 207.790 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp tăng cường cơ sở vật chất cho các trường phổ thông và trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, trong khi chưa cấp đủ kinh phí chi hoạt động giảng dạy và học tập ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn là chưa phù hợp...

Trong 2 năm 2019, 2020 UBND tỉnh không bố trí vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước cho các dự án khởi công mới thuộc lĩnh vực GD&ĐT. UBND tỉnh cũng chưa ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Sở GD&ĐT theo quy định, chưa phân cấp nhiệm vụ quản lý tài chính cho Sở GD&ĐT phù hợp để thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

Đặc biệt ở thời điểm thanh tra, toàn tỉnh có tình trạng thiếu nhiều giáo viên ở các cấp học, bậc học, mất cân đối giữa các môn học ở GDPT theo quy định. Chưa đảm bảo số lượng, cơ cấu đội ngũ GV TH để thực hiện  CT GDPT 2018. Tỉ lệ GV trên lớp đối với cấp TH là 1,23 chưa đủ để dạy học 2 buổi/ngày theo quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT.

Đến hết 31/12/2020, UBND Tỉnh chưa có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án, Quyết định của tỉnh về việc sắp xếp các trường MN, TH, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học hiện có đến năm 2020.

Cùng đó chưa có phương án giải quyết, bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp theo Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho khu kinh tế Nghi Sơn; chưa thực hiện tổng kết, đánh giá và xử lý dứt điểm những tồn tại, sai phạm và những khó khăn, bất cập của Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho khu kinh tế Nghi Sơn…

Trách nhiệm để xảy ra hạn chế thiếu sót nêu trên được Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận  thuộc về Chủ tịch UBND Thanh Hóa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phụ trách văn hóa xã hội thời kỳ năm 2019 và 2020.

Đối với Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa:

Chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo quản lý hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2235/2017/QĐ-UBND.

Nhiều năm liền không thực hiện tuyển dụng, bổ sung đội ngũ viên chức các trường THPT, năm 2020 tổ chức tuyển dụng 1 đợt không đảm bảo chỉ tiêu, có hồ sơ dự tuyển chưa đủ giấy tờ hoặc giấy tờ không đáp ứng tiêu chuẩn quy định.

Đối với kinh phí triển khai CT GDPT 2018 thì năm 2020 mới thực hiện phân bổ được 122.895 triệu đồng/tổng kinh phí năm 2020 theo kế hoạch là 210.000 triệu đồng đạt 58,52% kế hoạch. Chưa cấp đủ kinh phí theo phân kỳ nhu cầu kinh phí thực hiện và dự kiến phân bổ nguồn lực tài chính...

Sở GD&ĐT cũng chưa quy định cụ thể các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý cấp phát các loại chứng chỉ. Sổ gốc cấp chứng chỉ chưa đúng mẫu theo quy định; Sổ gốc không có chữ ký nhận của người nhận chứng chỉ. Chứng chỉ Tiếng dân tộc do Phó Giám đốc Sở GD&ĐT ký không đúng thẩm quyền theo quy định.

Thực hiện in bằng tốt nghiệp THCS cho các Phòng GD&ĐT không đúng phân cấp theo quy định. Sổ gốc cấp bằng tốt nghiệp THPT không đúng theo mẫu theo quy định. Sở GD&ĐT chưa thực hiện công bố công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử là không đúng theo quy định.

Sở GD&ĐT chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh về nội dung lập, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho giáo dục trên địa bàn tỉnh theo quy định; thực hiện chưa nghiêm túc chế độ báo cáo các khoản tài trợ cho giáo dục theo quy định.

Đối với các Sở ban ngành.

Sở Nội vụ chưa tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt Đề án xác định vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức và số lượng người làm việc của các trường ĐH, CĐ trực thuộc UBND tỉnh thực hiện theo cơ chế tự chủ giai đoạn 2019–2020 và của các đơn vị đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD&ĐT và các UBND trực thuộc theo quy định.

Không có hồ sơ ứng viên bổ nhiệm và hồ sơ liên quan thể hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh lãnh đạo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ có Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại do Chủ tịch UBND tỉnh ký.

Tham mưu bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức và Hiệu trưởng Trường ĐH VHTT&DL Thanh Hóa không đúng quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Sở Tài chính: Việc thực hiện phân bổ kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp GD&ĐT đối với cơ sở giáo dục, phần lớn không đạt tỷ lệ quy định.

Năm 2019, 2020 Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh chuyển kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp GD&ĐT sang chi đầu tư phát triển để cải tạo, nâng cấp tăng cường cơ sở vật chất cho các trường phổ thông và trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh tổng số tiền 207.790 triệu đồng trong khi kinh phí chi hoạt động giảng dạy và học tập ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo tỷ lệ 10% theo Quyết định số 4762 và chưa phù hợp với một số Quyết định khác của Bộ Tài chính; UBND tỉnh Thanh Hóa, Luật Ngân sách nhà nước.

Sở Kế hoạch và Đầu tư: Không tổ chức thanh tra, kiểm tra về đầu tư lĩnh vực GD&ĐT. Thực hiện Dự án đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm và công nghệ thông tin, phầm mềm hỗ trợ đào tạo, học tập, quản lý cho Trường ĐH Hồng Đức thiếu chặt chẽ về mặt hồ sơ, thủ tục.

Đối với các huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh Thanh Hóa cụ thể là UBND thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Thạch Thành chưa ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Phòng GD&ĐT theo quy định.

Phân cấp quản lý ngân sách chi thường xuyên sự nghiệp GD&ĐT cũng chưa đúng với quy định...

Trường ĐH Hồng Đức: Một số trường hợp quá thời hạn bổ nhiệm lại; Trưởng phòng KHTC và Trưởng phòng TCCB chưa thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định.

Chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, Chứng chỉ Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục và Chứng chỉ tiếng dân tộc do Phó Hiệu trưởng nhà trường ký không đúng thẩm quyền;

Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng – An ninh ký chứng chỉ giáo dục quốc phòng an ninh từ tháng 5/2020 cũng không đúng thẩm quyền theo quy định.

Việc thực hiện Dự án đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm và công nghệ thông tin, phầm mềm hỗ trợ đào tạo, học tập, quản lý thiếu chặt chẽ về mặt hồ sơ, thủ tục...

Với kết luận nêu trên, Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng đưa ra kiến nghị biện pháp xử lý với từng đơn vị chức năng để khắc phục tồn tại nêu trên. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ