Công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục: Nhanh chóng kiện toàn đội ngũ

GD&TĐ - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT trao đổi về những thuận lợi và khó khăn liên quan tới công tác thanh tra, kiểm tra...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiểm tra công tác coi thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nam. Ảnh: Xuân Phú
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kiểm tra công tác coi thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nam. Ảnh: Xuân Phú

Ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho rằng, cùng với hoàn thiện khung pháp luật điều chỉnh hoạt động giáo dục, nhân lực là yếu tố tiên quyết, quyết định hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn liên quan đến đội ngũ này.

Chưa bảo đảm số lượng công chức thanh tra

- Hiện nay, thực trạng đội ngũ làm công tác thanh tra của các sở GD&ĐT như thế nào, thưa ông ?

- Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định việc thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở: Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 7 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của TP Hà Nội và TPHCM; tối thiểu 6 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I; tối thiểu 5 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III.

Khi Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực, Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ Quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được ban hành, Thanh tra sở GD&ĐT là đơn vị bắt buộc phải có trong cơ cấu của sở GD&ĐT, việc thành lập Thanh tra sở được quy định tại khoản 2 Điều 18 của Nghị định này:

“Việc thành lập Thanh tra sở phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí như thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương”. Bên cạnh đó, Luật Thanh tra năm 2022 cũng quy định: Trưởng đoàn Thanh tra phải là công chức ngạch thanh tra.

Đối chiếu với quy định trên, năm học qua, lực lượng thanh tra của 36/63 sở GD&ĐT cơ bản bảo đảm theo quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu công tác thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, còn 27 sở GD&ĐT chưa đảm bảo lực lượng thanh tra dẫn đến khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, cụ thể:

Có 27/63 sở GD&ĐT (chiếm 42,8%) chưa bảo đảm số lượng công chức thanh tra theo quy định (giảm 8 sở GD&ĐT so với năm học 2022 - 2023). Trong đó, 2/63 sở GD&ĐT chỉ có 2 cán bộ làm công tác thanh tra là Đà Nẵng, Gia Lai (giảm 2 sở so với năm học 2022 - 2023); 5/63 sở GD&ĐT có 3 người làm công tác thanh tra (Bắc Kạn, Bình Thuận, Cao Bằng, Phú Yên, Bạc Liêu); có 20/63 sở có 4 người làm công tác thanh tra.

Với lực lượng như vậy, trong năm học 2023 - 2024, nhiều sở GD&ĐT không đủ lực lượng để thực hiện hoạt động thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022: Không đủ người làm trưởng đoàn, giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra… (trưởng đoàn thanh tra cấp sở phải từ Thanh tra viên trở lên, cán bộ giám sát hoạt động đoàn thanh tra, cán bộ thẩm định dự thảo kết luận thanh tra phải có chuyên môn, nghiệp vụ về công tác thanh tra).

Điển hình, Sở GD&ĐT Phú Yên không tổ chức thanh tra; Sở GD&ĐT Bình Định chỉ tổ chức 1 cuộc thanh tra hành chính, không tổ chức thanh tra chuyên ngành; Sở GD&ĐT: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bắc Kạn chỉ thực hiện 1 cuộc thanh tra hành chính và 1 cuộc thanh tra chuyên ngành. Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, một số địa phương có văn bản báo cáo không đủ cán bộ để bố trí làm trưởng đoàn thanh tra thi theo đúng Luật Thanh tra 2022 và Hướng dẫn số 1932/BGDĐT-TTr của Bộ GD&ĐT.

nhanh chong kien toan doi ngu (3).jpg
Ông Nguyễn Đức Cường. Ảnh: Xuân Phú

- Với nhiều địa phương chưa có đủ nhân lực như vậy, làm sao để bảo đảm việc tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra theo quy định, thưa ông?

- Hiện nay cả nước có hơn 53 nghìn cơ sở giáo dục. Với số lượng cán bộ, công chức thanh tra của các sở GD&ĐT như báo cáo ở trên, việc huy động thành viên khác tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra là tất yếu.

Trước khi Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực, hoạt động thanh tra thực hiện theo Luật Thanh tra năm 2010. Luật này có quy định về cộng tác viên thanh tra, trên cơ sở phân cấp của Chính phủ tại Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 9/5/2013 quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có Thông tư số 54/2012/TT-BGDĐT 21/12/2012 quy định về cộng tác viên thanh tra giáo dục được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 31/2014/TT-BGDĐT ngày 16/9/2014, trên cơ sở đó đội ngũ cộng tác viên thanh tra giáo dục đã được xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu công tác thanh tra, kiểm tra trong ngành.

Năm học 2023 - 2024, thực hiện Luật Thanh tra năm 2022, Thanh tra các sở GD&ĐT đã thực hiện huy động 14.219 người; trong đó cán bộ quản lý 3.425 người, viên chức 10.573 người không phải là thanh tra viên tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra (tính cả thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024).

Theo Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đội ngũ tham gia đoàn thanh tra không phải thanh tra viên hiện chưa có quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, chưa có chế độ đãi ngộ để đảm bảo thực hiện và huy động thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra theo quy định pháp luật.

Luật Thanh tra năm 2022 và các nghị định hướng dẫn Luật không có quy định về việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho thành viên tham gia các đoàn thanh tra mà không phải là thanh tra viên. Từ đó dẫn đến đội ngũ này huy động trên cơ sở cộng tác viên của Thanh tra sở GD&ĐT nhiều năm trước còn lại, hoặc những người mới chưa có chuyên môn nghiệp vụ phải tổ chức tập huấn, hướng dẫn khi triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Do quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và các nghị định hướng dẫn Luật chưa cụ thể về việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho thành viên khác của đoàn thanh tra, cũng không giao cho Bộ trưởng quy định việc này, dẫn đến năm học 2023 – 2024, các sở GD&ĐT không tổ chức bồi dưỡng đội ngũ. Việc bồi dưỡng cộng tác viên thanh tra theo quy định tại Thông tư 54/2012/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung tại thông tư 31/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT cũng bị dừng lại.

nhanh chong kien toan doi ngu (4).jpg
Ảnh: Xuân Phú

Kiện toàn tổ chức, đội ngũ

- Với thực trạng như trên, theo ông sở GD&ĐT cần làm gì để khắc phục những tồn tại trong năm học 2024 - 2025?

- Kết luận Hội nghị tổng kết năm học vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã chỉ đạo các sở phải kiện toàn đội ngũ làm công tác thanh tra, để tổ chức hoạt động thanh tra theo quy định, khắc phục tình trạng cả năm 1 sở có 1 cuộc thanh tra.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm học 2024 - 2025 đối với công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục là tiếp tục kiện toàn tổ chức, đội ngũ Thanh tra sở GD&ĐT theo đúng quy định tại Nghị định số 03/2024/NĐ-CP; lựa chọn đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra có chuyên môn nghiệp vụ ổn định.

Các sở GD&ĐT cần phải kiện toàn tổ chức, đội ngũ Thanh tra sở GD&ĐT, bố trí đủ số lượng tối thiểu, bảo đảm cơ cấu, thành phần theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra và bổ sung đội ngũ cán bộ, viên chức dự kiến trưng tập làm thành viên khác của đoàn thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu thực hiện Chỉ thị số 1048/CT-BGDĐT ngày 28/4/2020 và Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra năm học của Bộ GD&ĐT.

Năm học 2024 - 2025, Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các vụ, cục Bộ GD&ĐT tham mưu với Chính phủ, Bộ trưởng từng bước hoàn thiện quy định pháp luật về thanh tra chuyên ngành, thanh tra nội bộ, cán bộ trưng tập… trong cơ sở giáo dục; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Các sở GD&ĐT ban hành hệ thống văn bản, hướng dẫn đầy đủ, chi tiết để lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra từ sở đến các cơ sở giáo dục của địa phương; xử lý, xử phạt kịp thời, bảo đảm nghiêm minh, công khai, minh bạch; xây dựng được hệ thống giám sát, kịp thời và chủ động trong mọi tình huống. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý đơn kiến nghị, đơn phản ánh và phòng, chống tham nhũng bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và theo quy định của pháp luật.

Tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra bám sát nhiệm vụ trọng tâm, Chỉ thị năm học 2024 - 2025 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra năm học đối với giáo dục mầm non, GDPT, giáo dục thường xuyên và các văn bản của cấp có thẩm quyền.

Đặc biệt chú ý tập trung thanh tra trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của UBND các cấp; kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 và việc triển khai Chương trình GDPT; thực hiện quyền tự chủ trong giáo dục đại học, mở ngành, tuyển sinh và đào tạo các trình độ của giáo dục đại học; các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và trách nhiệm giải trình xã hội của các cơ sở giáo dục.

Kiểm tra các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, trung tâm ngoại ngữ, tin học; kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm; kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 của Chính phủ quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở GDPT công lập.

Cùng đó, tổ chức thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo đúng phương án và hình thức tổ chức thi theo Chương trình GDPT 2018.

nhanh chong kien toan doi ngu (2).jpg
Đoàn thanh tra Sở GD&ĐT Lạng Sơn thông qua dự thảo Kết luận thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về giáo dục đối với Phòng GDĐT huyện Cao Lộc, huyện Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn (ngày 4/6/2024). Ảnh minh họa: INT

Nội dung tập trung trong năm học mới

- Ông có lưu ý gì với các sở/phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục trong công tác thanh tra, kiểm tra năm học tới ?

- Với các sở GD&ĐT, cùng với việc kiện toàn tổ chức, đội ngũ thanh tra sở và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, cần thực hiện thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục của UBND cấp huyện; trách nhiệm quản lý của người đứng đầu cơ sở giáo dục thuộc trách nhiệm quản lý của sở GD&ĐT.

Đồng thời, thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, việc thực hiện chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên theo quy định trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc thẩm quyền quản lý; việc thực hiện các chương trình, dự án, gói thầu thuộc trách nhiệm quản lý của sở GD&ĐT.

Cùng đó, thanh tra, kiểm tra việc triển khai Chương trình GDPT 2018 (chú trọng việc bảo đảm và sử dụng thiết bị dạy học tối thiểu; lựa chọn sách giáo khoa,...) ; việc quản lý thu và sử dụng các khoản thu ngoài ngân sách; tổ chức tuyển sinh đầu cấp; chuyển trường và tiếp nhận học sinh; ôn tập, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo quy định và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm; thực hiện quy định của cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài; thực hiện chương trình giáo dục của nước ngoài, liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài; dạy học ngoại ngữ, tin học; hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; hoạt động liên kết đào tạo, phối hợp dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề trong các cơ sở giáo dục thường xuyên.

Thanh tra, kiểm tra việc quản lý, thu và sử dụng các khoản thu ngoài ngân sách; thực hiện quy định về công khai, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn; việc thực hiện Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 của Chính phủ quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở GDPT công lập.

Các sở GD&ĐT cũng cần tăng cường trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, nhất là trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu; thực hiện giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định; rà soát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài và có lộ trình giải quyết dứt điểm từng vụ việc.

Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo quy định tại Nghị định số 04/2021/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 127/2021/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan.

Cũng cần lưu ý thực hiện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và xử lý sau thanh tra theo quy định; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận giải quyết tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định.

Phòng GD&ĐT và cơ sở giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên xây dựng kế hoạch kiểm tra theo hướng dẫn của sở GD&ĐT.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tổng số công chức thanh tra các sở GD&ĐT tính đến tháng 7/2024 là 301 người (tăng 17 người so với năm học 2022 - 2023). Trong số này có 46 người chưa được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra (chiếm tỷ lệ 15,3%); có 255 người đã được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra (tỷ lệ 84,7%). Còn 3 sở GD&ĐT: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bạc Liêu chưa bổ nhiệm Chánh Thanh tra (giảm 5 sở GD&ĐT so với năm học 2022 - 2023).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.