Nội dung thanh tra không gói gọn ở chuyên môn mà cả về tài chính, cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy… Vì vậy, nền tảng tốt nhất cho cán bộ thanh tra là phải được tăng cường về pháp luật để nâng cao năng lực và xử lý những mâu thuẫn trong công tác phối hợp.
Lực lượng chuyên trách mỏng
Ngành Giáo dục Đắk Lắk được xem là địa phương chú trọng bố trí nhân lực làm công tác thanh tra với 5 người tại Thanh tra sở. Cộng tác viên thanh tra thường xuyên (nhiệm kỳ 2023 – 2025) tại địa phương này là 393 người. Trong đó, khối sở GD&ĐT có 42 người, khối trường thuộc sở GD&ĐT có 185 người và khối phòng GD&ĐT, trường thuộc phòng GD&ĐT là 166 người.
Thanh tra giáo dục không chỉ thể hiện ở những số liệu đã thực hiện được bao nhiêu cuộc thanh tra, kiểm tra. Cái cần rút ra là sau mỗi cuộc thanh tra, đơn vị thanh tra nhận được những bài học gì, những đề xuất gì cho người lãnh đạo, quản lý, giải pháp gì cho cơ sở giáo dục…
Trong năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT Đắk Lắk tiến hành 6 cuộc thanh tra hành chính tại 6 trường THPT, 5 cuộc thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị phòng GD&ĐT.
Ngoài ra còn thanh tra, kiểm tra các kỳ thi gồm tuyển sinh đầu cấp, thi lập đội tuyển chọn học sinh giỏi quốc gia, thi học sinh cấp THCS, THPT; thi tốt nghiệp THPT năm 2024, kiểm tra công tác tổ chức thi nghề phổ thông. Ngoài ra, Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc kiểm tra thực hiện Chương trình GDPT mới, quy trình lựa chọn sách giáo khoa trên địa bàn tỉnh ở quý III năm 2023.
Chỉ tính riêng công tác tiếp dân, Thanh tra Sở GD&ĐT Đắk Lắk tiếp nhận và giải quyết 33 đơn khiếu nại, tố cáo. Nội dung đơn thư chủ yếu tập trung phản ánh hành vi lừa đảo tài sản của công dân, kết quả thi đua khen thưởng của đơn vị, đạo đức nhà giáo, dạy thêm, học thêm; nhân sự tổ chuyên môn tại nhà trường…
Tuy nhiên, ông Lưu Tiến Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, chỉ có 5 nhân sự thuộc Thanh tra sở nên chưa đáp ứng yêu cầu của khối lượng công việc. Cộng tác viên thanh tra của các phòng - ban thuộc sở kiêm nhiệm nhiều công việc, ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng của các đợt thanh tra.
Đắk Lắk có 996 trường từ mầm non đến phổ thông, 15 phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố. Trong khi đó, số lượng cuộc thanh tra theo kế hoạch khoảng 12 cuộc/năm. Vì vậy, chu kỳ thanh tra theo kế hoạch tại một đơn vị thường dài. Đội ngũ cộng tác viên thanh tra kiêm nhiệm trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục hoặc công tác tại phòng ban thuộc sở cùng lúc phải giải quyết nhiều công việc nên việc thu thập chứng cứ, tài liệu thanh tra và thực hiện các báo cáo còn gặp nhiều khó khăn, ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ của đoàn thanh tra.
Lực lượng thanh tra Sở GD&ĐT Quảng Nam hiện có 4 người, gồm: Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và 2 Thanh tra viên. Quảng Nam có 174 cộng tác viên thanh tra. Trong đó, khối các đơn vị trực thuộc sở có 91 người; khối phòng GD&ĐT có 83 người và đều được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra; đạt trình độ, tiêu chuẩn theo quy định và có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ khi tham gia các đoàn thanh tra.
Trong năm học 2023 - 2024, Quảng Nam thực hiện 2 trong tổng số 3 cuộc thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch. Ngoài ra, còn thực hiện 2 cuộc kiểm tra chuyên ngành, 1 cuộc kiểm tra hành chính.
Sở GD&ĐT Quảng Nam đã triển khai một cuộc kiểm tra trách nhiệm của Hiệu trưởng Trường THPT Nông Sơn, Trường THPT Trần Phú và Trường THPT Bắc Trà My trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Đồng thời lồng ghép thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng trong một cuộc kiểm tra hành chính đối với Trường THPT Võ Nguyên Giáp.
Qua kiểm tra đã kiến nghị rút kinh nghiệm đối với các hạn chế, sai sót như xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ còn một số nội dung chưa đúng quy định hiện hành hoặc không đúng định mức, không có căn cứ pháp lý. Thực hiện công khai theo các thông tư có liên quan nhưng còn một số nội dung chưa bảo đảm theo quy định hoặc không tổ chức công khai theo đúng quy định; có thực hiện việc công khai các bản kê khai tài sản, thu nhập nhưng hồ sơ công khai chưa bảo đảm.
Bắt bệnh, kê toa
Theo kết luận của cuộc thanh tra chuyên ngành tại Trường Mẫu giáo Duy Thành (Duy Xuyên, Quảng Nam), trong công tác xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ, nhà trường căn cứ vào một số văn bản đã hết hiệu lực hoặc chưa cập nhật một số văn bản được sửa đổi, bổ sung để xây dựng kế hoạch phù hợp. Nội dung bồi dưỡng chưa có tính mới và không kịp thời theo các văn bản hiện hành, nhất là nội dung bồi dưỡng thường xuyên.
Tỷ lệ huy động trẻ 3 và 4 tuổi ra lớp của Trường Mẫu giáo Duy Thành còn thấp. Nguyên nhân là những năm học qua, trường luôn ổn định 10 lớp, không được phê duyệt tăng lớp nên số trẻ 3 tuổi và 4 tuổi toàn xã chưa được ra lớp tại địa bàn phải đi học tại các cơ sở ngoài công lập và nơi khác.
Hằng năm, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Duy Thành có ban hành quyết định thành lập Hội đồng tự đánh giá kiểm định chất lượng, xây dựng kế hoạch tự đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện công tác tự đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, theo nhận xét của Đoàn Thanh tra, một số điểm yếu trong tiêu chí vẫn còn tồn tại qua các năm học. Các biện pháp cải tiến còn lặp lại, năm học sau giống năm học trước, chưa có tính đột phá để khắc phục, thể hiện trong kế hoạch tự đánh giá.
Đoàn Thanh tra cũng chỉ ra rằng, Trường Mẫu giáo Duy Thành thực hiện biểu mẫu công khai trên trang điện tử ở dạng file Word, không có chữ ký, đóng dấu và gộp nhiều biểu mẫu các năm để công khai cùng một thời điểm là không đúng quy định.
Chia sẻ về công tác thanh tra tại địa phương, ông Lưu Tiến Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, qua thanh tra, cho thấy hầu hết cơ sở giáo dục đáp ứng cơ bản yêu cầu về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; điều kiện cơ sở vật chất cơ bản bảo đảm để thực hiện Chương trình GDPT mới, quy trình lựa chọn sách giáo khoa, thực hiện đầy đủ kế hoạch giáo dục và dạy học theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Thực hiện tương đối tốt công tác kiểm tra nội bộ trường học; công tác quy chế dân chủ công khai rõ ràng và thường xuyên; công tác dạy thêm, học thêm trong nhà trường và việc quản lý và sử dụng các khoản thu, chi đến thời điểm hiện tại cơ bản thực hiện đúng theo các quy định quản lý tài chính hiện hành.
Tuy nhiên, theo nhận xét của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, công tác kiểm tra nội bộ trường học chưa có biện pháp đánh giá, tư vấn, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại sau kiểm tra. Một số đơn vị vùng điều kiện khó khăn, công tác thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, đội ngũ.
Qua thanh tra cũng cho thấy, một số trường học ở Đắk Lắk vẫn còn tình trạng đơn điệu trong sinh hoạt tổ chuyên môn, chưa đề xuất được các giải pháp tối ưu để nâng cao chất lượng đội ngũ, học tập của học sinh. Một số trường học thực hiện dự toán thu, chi khoản tiền kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh còn chưa chi tiết, cụ thể; một số mục dự toán chi sai.
Cần bảo đảm đủ kinh phí và nhân sự
Kỳ họp thứ 20, khóa X của HĐND tỉnh Quảng Nam mới đây đã bổ sung một số chức danh tại các kỳ thi đối với giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh chưa được quy định chi tiền công tại Nghị quyết số 5 năm 2022 của HĐND tỉnh. Trong số này, có đối tượng là những giáo viên được sở GD&ĐT điều động đi làm công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của các kỳ thi nhưng không phải là thanh tra viên sẽ được chi trả tiền công theo quy định.
Điều này giúp điều chỉnh lại tình trạng bất hợp lý lâu nay ở Quảng Nam trong thanh toán chế độ làm công tác thi. Những giáo viên được lựa chọn điều động làm công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi nhưng không phải là thanh tra viên đều là những người có nhiều kinh nghiệm, nhiệm vụ nặng nề hơn nhưng lại không được hưởng chế độ tiền công. Trong khi đó, nếu họ đi làm công tác coi thi thì được thanh toán.
Hiện nay, kinh phí, phương tiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng của Thanh tra Sở GD&ĐT Quảng Nam đều do sở cấp kinh phí, bao gồm: Công tác phí, tổ chức hội nghị, tập huấn, trang phục, văn phòng phẩm và trang thiết bị phục vụ thanh tra. Phương tiện phục vụ cho hoạt động thanh tra do Văn phòng sở bố trí xe hợp đồng hoặc tự túc phương tiện và được chi trả chế độ tự túc, tùy số lượng và tình hình thực tế.
Một kiến nghị từ Thanh tra Sở GD&ĐT Đà Nẵng là kinh phí và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Lực lượng nòng cốt tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra chủ yếu là cộng tác viên thanh tra. Kinh phí cho hoạt động thanh tra cũng chưa bảo đảm để chi trả chế độ cho cộng tác viên.
Thanh tra Sở GD&ĐT Đà Nẵng hiện chỉ có 2 cán bộ công chức và phải trưng tập một giáo viên từ trường THPT để hỗ trợ các nhiệm vụ về thanh tra, kiểm tra với công chức thanh tra sở. Khối lượng công việc nhiều nhưng lực lượng thanh tra chuyên trách lại rất mỏng.
Trước thực trạng trên, ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng kiến nghị cần đánh giá đúng vị trí, vai trò của công tác thanh tra, về lực lượng làm công tác thanh tra chuyên trách tại sở GD&ĐT để đề xuất các cơ quan thẩm quyền quy định cụ thể về số lượng công chức tại thanh tra sở.
Là cộng tác viên thanh tra, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Kinh phí chi trả cho lực lượng cộng tác viên thanh tra tùy theo chuyên đề. Chẳng hạn, thực hiện tham gia đoàn đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục thì chế độ thanh toán sẽ thực hiện từ nguồn này, thanh tra chuyên môn cũng có căn cứ để thanh toán riêng. Đơn vị nào ra quyết định triệu tập cộng tác viên thanh tra thì đơn vị đó chịu trách nhiệm chi trả”.
Trường Tiểu học Lê Đình Chinh hiện có 4 cộng tác viên thanh tra, gồm 1 hiệu trưởng, 1 phó hiệu trưởng và 2 giáo viên bộ môn Tin học và Âm nhạc. Theo cô Thu Nguyệt, mỗi đợt thực hiện thanh tra thường kéo dài ít nhất 2 ngày. Nhà trường phải bố trí giáo viên dạy thay cho những thầy cô được triệu tập làm công tác thanh tra và chi trả tiền tăng thay. Chính vì vậy, nhiều trường có tâm lý ngại đề cử giáo viên tham gia làm cộng tác viên thanh tra vì nếu được triệu tập sẽ có xáo trộn trong phân công giảng dạy.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh mong muốn, với cộng tác viên thanh tra thuộc ban giám hiệu các trường học, cần có chế độ quy đổi thời gian tham gia đoàn thanh tra thành tiết dạy.
“Ban giám hiệu đều phải đứng lớp với số lượng tiết theo quy định. Nếu tham gia đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ theo quyết định triệu tập thì phải phân công giáo viên đứng lớp thay. Có một khoảng thời gian, ban giám hiệu làm cộng tác viên thanh tra được miễn đứng lớp nhưng mấy năm trở lại đây, Đà Nẵng đã bãi bỏ quy định này”, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt chia sẻ.
Thanh tra Sở GD&ĐT Nghệ An đã xây dựng và ban hành hướng dẫn về công tác kiểm tra nội bộ trường học để làm cơ sở cho các trường tự tổ chức kiểm tra từ cấp tổ/nhóm chuyên môn, cấp trường, gắn liền công tác kiểm tra với việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong các cơ sở giáo dục. Đơn cử như việc triển khai dạy học các môn mới có tính chất liên môn như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên thì tùy theo tình hình đội ngũ, mỗi trường sẽ có cách để triển khai phù hợp. Vì vậy, trong thanh tra, kiểm tra không nên cứng nhắc.