Thanh tra giáo dục nhìn từ góc độ cơ chế

Thanh tra giáo dục nhìn từ góc độ cơ chế

(GD&TĐ) - Đảng ta coi phát triển giáo dục là sự nghiệp hàng đầu. Nhà nước  đã đầu tư về mặt tài chính cho giáo dục trong nhiều năm nay với tỷ lệ từ 18 đến 20% ngân sách quốc gia. Đây là một tỷ lệ đầu tư cho GD từ ngân sách nhà nước cao so với nhiều nước trên thế giới. 

Thế nhưng tại sao GD của ta hiện thời lại còn nhiều bất cập? Chỉ nói riêng về đầu tư cho GD, tỷ lệ ngân sách chi cho GD rất cao, nhưng 95% số tiền ấy phải chi cho con người nên cơ sở vật chất trong hầu hết các trường công lập thiếu và lạc hậu, chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu GD hiện đại… 

Nguyên nhân của thực trạng trên thì có nhiều, nhưng cơ bản là do cơ chế quản lý nhà nước về GD ở nhiều khâu, nhiều lĩnh vực chưa phù hợp.  Bởi vì, cơ chế quản lý nhà nước về GD đúng đắn, hợp qui luật là chìa khoá mở ra cho sự năng động phát triển của nền GD.

Quản lý GD là một phạm trù rộng lớn, ở đây ta chỉ  xét riêng vấn đề Thanh tra giáo dục. Đảng, nhà nước, ngành GD luôn coi trọng công tác thanh tra, các văn bản, các qui định có thể không thiếu, nhưng thực thi kém hiệu quả. Không ít vấn đề sai sót, thậm chí sai lầm nghiêm trọng, sai trái trong một thời gian dài với địa bàn rộng lớn ai cũng có thể nhìn thấy nhưng chưa được xử lý kịp thời.

Ảnh MH
Ảnh MH

Trong nhiều năm, đồ dùng dạy học kém chất lượng, thậm chí có những trường nhận đồ dùng dạy học về không dùng được vì thiếu, không đồng bộ…thì đem cất vào kho, gây ra sự lãng phí trên qui mô lớn, trong thời gian gần đây mới được phanh phui để khắc phục…

Thực trạng này diễn ra trong một thời gian dài, nhưng tại sao hệ thống thanh tra giáo dục, nhất là ở các địa phương, vẫn để tồn tại gần như không có sự kiểm soát, điều chỉnh? Có thể thấy rất rõ một số yếu tố khách quan do cơ chế đưa lại không tạo điều kiện tốt cho người thanh tra thực thi chức trách của mình.

Thứ nhất là người làm công tác thanh tra của phòng và sở thường là GV trong địa bàn rút lên và bổ nhiệm. Họ là người bạn đồng nghiệp, là người quen biết nhiều năm, là đồng hương gần xa của các ban giám hiệu và GV, thế thì làm sao tránh khỏi vị tình, vị nể, đó là chưa nói có thể dễ dàng biết rõ nhau và cùng nhau thoả thuận với những việc không chân chính. Trong điều kiện như vậy, người thanh tra khó  tránh được sự thiên lệch trong minh định và xử lý.

Thứ hai là tổ chức thanh tra nằm trong và phụ thuộc rất nhiều mặt vào hệ thống tổ chức quản lý nhà nước chung của ngành. Quyền lợi kinh tế, địa vị chính trị do nghề nghiệp đưa lại phần lớn phụ thuộc vào sự phán quyết của lãnh đạo và tập thể công chức ngành; những người thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước các cấp trong ngành là thủ trưởng, là bạn bè đồng nghiệp lâu năm của họ. Trong điều kiện như vậy người thanh tra bị một sợi dây vô hình ràng buộc, không thể thực thi công vụ một cách độc lập, khách quan, vô tư được, mặc dầu trách nhiệm của họ đã được qui định ở các luật.

Thứ ba là khi phát hiện ra những vấn đề tiêu cực như vậy bản thân người thanh tra sẽ được gì và mất gì trong một cơ chế hoạt động như vậy? Vì thanh tra cũng là con người, luôn bị chi phối trong mọi sự quan hệ, trong đó quan hệ kinh tế đóng vai trò quyết định… 

Luật hồi tỵ trong thời phong kiến ở nước ta có qui định đối với người được bổ nhiệm làm quan: Cha con, anh em, những người bà con dòng tộc, bạn bè thân thuộc… không được làm chung trong một đơn vị công quyền (trừ một số ngành gia truyền như thầy thuốc….); không được nhậm chức tại quê hương; không được làm nhà ở, mua đất, tậu ruộng, làm sui nơi cai quản…   

Đành rằng ở từng giai đoạn lịch sử, trong mỗi hoàn cảnh xã hội khác nhau sẽ phải có cơ chế quản lý phù hợp, không thể rập khuôn, giáo điều. Nhưng cần phải chọn lọc điều hay, điều phù hợp của quá khứ và đương đại mà học tập, ứng dụng trong cơ chế quản lý GD nói chung, công tác thanh tra GD nói riêng để giám định được thực chất chất lượng GD góp phần quan trọng chấn hưng và phát triển bền vững nền GD nước nhà.

Phạm Hoàng Lê

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ