Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thanh tra 16.800 cửa hàng bán lẻ, có 211 cửa hàng có hiện tượng đóng cửa. Trong đó, phần lớn đóng cửa do sự cố về kỹ thuật.
Một số nơi lý do là không có hàng, truy cho đến tận cùng thì những cửa hàng này là nhận xăng dầu từ Nghi Sơn. Mà nhà máy này dừng đột ngột thì cửa hàng bán lẻ không dễ gì có thể nhận hàng ở một doanh nghiệp đầu mối khác.
“Bộ Công Thương đã chỉ đạo chia sẻ nguồn cung từ các nhà cung ứng không lấy hàng từ Nghi Sơn (hàng nhập hoặc lấy từ Bình Sơn), sau một vài ngày tình trạng hết hàng được khắc phục” – Bộ trưởng thông tin, đồng thời nhấn mạnh: quan điểm của Bộ là thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Hiện đã có kết quả bước đầu song chưa đầy đủ để công bố.
Tinh thần là, nếu phát hiện thấy doanh nghiệp đầu mối nào không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, chứ không nói là việc găm hàng thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Hình thức cao nhất là rút giấy phép hoặc đình chỉ kinh doanh.
Liên quan đến vấn đề bình ổn giá xăng dầu, đại biểu Trần Văn Sáu (đại biểu tỉnh Đồng Tháp) đặt câu hỏi: vì sao giá bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới biến động mạnh, 44-60%, nhưng giá trong nước chỉ tăng 25-40%. "Quá trình điều hành giá xăng dầu như vậy có gì mâu thuẫn, thiệt hại đó do ai gánh chịu?"
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá thế giới do chủ yếu sử dụng linh hoạt các công cụ bình ổn giá như: Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tại nhiều kỳ điều hành, nhà điều hành đã trích 500-1.500 đồng một lít xăng, dầu tuỳ loại.
“Nếu không trích quỹ này, chúng ta không thể có giá thấp hơn thế giới. Giá những vật tư chiến lược như: xăng dầu giống như bình thông nhau, giá thế giới thế nào, giá Việt Nam phải như thế. Chúng ta giảm mức tăng của giá xăng dầu là nhờ vào Quỹ bình ổn giá” – Bộ trưởng Diên nói.
Theo Bộ trưởng Diên, bối cảnh thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước thì việc duy trì Quỹ bình ổn rất quan trọng, nhưng quỹ có hạn, hiện chỉ khoảng 600 tỷ đồng trong khi quỹ này tại nhiều doanh nghiệp đã âm lớn. Hiện quỹ này không còn nhiều, hai Bộ Tài chính và Công Thương đã đề xuất và Chính phủ có Nghị quyết đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Diên cũng nhìn nhận, nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao sẽ nghiên cứu giảm tiếp các loại thuế, phí khác... Hết công cụ thuế phí mà giá thế giới vẫn tăng cao, để kìm giá CPI, giữ nền kinh tế ổn định; các bộ, ngành chức năng có thể đề xuất cấp có thẩm quyền sử dụng các quỹ an sinh, quỹ bình ổn hỗ trợ các đối tượng nghèo, hỗ trợ thuế doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu.
Trao đổi về nội dung tranh luận của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) liên quan đến vấn đề lựa chọn công cụ thuế để kìm giá xăng dầu; Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - cho biết, việc lựa chọn sắc thuế nào để giảm cũng cần cân nhắc, bàn bạc và báo cáo Chính phủ. Với tình hình giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, nhanh nhất chỉ có thể sử dụng thuế bảo vệ môi trường theo đúng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ trưởng cũng nhận định, việc định giá thuế bảo vệ môi trường trong giá xăng dầu như hiện nay chưa hẳn đã căn cứ trên cơ sở khoa học, do đó lựa chọn giảm thuế bảo vệ môi trường là phù hợp.