Thanh tra Chính Phủ: Sẽ thẩm tra lại các báo cáo “10 năm không có tham nhũng”

Thanh tra Chính phủ khẳng định, cơ quan này sẽ thẩm tra lại báo cáo của các bộ ngành về việc 10 năm không phát hiện dấu hiệu tham nhũng.

Thanh tra Chính Phủ: Sẽ thẩm tra lại các báo cáo “10 năm không có tham nhũng”

Trao đổi với báo Dân Trí, ông Phạm Trọng Đạt, Thanh tra Chính phủ được giao chủ trì việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng để tiến tới kiến nghị, sửa đổi toàn diện luật này. Hiện nay các bộ ngành, địa phương đang tiến hành tổng kết thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng để gửi báo cáo về Thanh tra Chính phủ tổng hợp.

“Trước mắt chúng tôi sẽ xem xét các báo cáo đó và đối chiếu, so sánh với các báo cáo hàng năm trước đây xem số liệu có chính xác hay không. So với báo cáo chung về công tác phòng chống tham nhũng thì đang có sự không khớp nhau. Các báo cáo tổng kết chưa được “sâu”. Chúng tôi sẽ có hướng dẫn kỹ càng hơn để các bộ ngành, địa phương biết được mình đang có những yếu kém gì trong việc phát hiện, phòng ngừa tham nhũng và nguyên nhân tại sao lại như vậy để có sự điều chỉnh, thay đổi phù hợp”- ông Đạt nói.

Trực tiếp tham dự và phát biểu tại nhiều cuộc họp tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, ông Phạm Trọng Đạt không bất ngờ với việc nhiều bộ ngành địa phương khẳng định suốt 10 năm qua “không phát hiện tham nhũng” hoặc “không có tham nhũng”.

“Thực ra họ nói cũng có căn cứ của họ đấy. Chỉ khi nào tòa án đưa ra phán quyết cán bộ nào đó phạm tội tham nhũng thì khi đó mới được coi là tham nhũng. Có rất nhiều vụ việc ban đầu thì bị điều tra về tội tham nhũng nhưng sau đó tòa án xét xử lại đổi sang tội danh khác nên không thể đưa vào danh sách tham nhũng này được. Thống kê này dựa trên phán quyết của tòa án”- ông Đạt nói.

Thanh tra Chính Phủ: Sẽ thẩm tra lại các báo cáo “10 năm không có tham nhũng” - Ảnh 1

Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ). (Ảnh: Dân Trí).

Ông Đạt khẳng định cơ quan này sẽ thẩm tra lại báo cáo của các bộ ngành, địa phương về việc 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng nhưng “không có tham nhũng” hoặc “không phát hiện vụ tham nhũng nào”.

Riêng việc tổng hợp, đánh giá thực tế 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng sẽ được Thanh tra Chính phủ dựa trên nhiều “kênh” khác nhau như: Báo cáo của các bộ ngành, địa phương; kết quả điều tra xã hội học với người dân, cơ quan, doanh nghiệp; đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam của các cơ quan, tổ chức quốc tế.

Tổng kết 10 năm, nhiều tỉnh không phát hiện tham nhũng

Trước đó, báo VnExpress đưa tin,Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Bộ Lao động cho biết, từ năm 2006 đến 2015, đơn vị này đã tổ chức 42 cuộc thanh tra hành chính đối với đơn vị và 3 cuộc kiểm tra trách nhiệm đối với thủ trưởng. Bộ chưa phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, vì vậy không có thiệt hại do tham nhũng gây ra và không có tài sản tham nhũng được thu hồi. Không có trường hợp người đứng đầu nào phải xem xét, xử lý trách nhiệm vì để xảy ra tham nhũng.

Về tặng, nhận quà và trả lại quà tặng, ông Tùng cho biết, tổng hợp báo cáo các đơn vị chưa xảy ra tình trạng sử dụng tài sản công, tặng quà, nhận quà sai quy định. 100% cán bộ thuộc đối tượng phải kê khai tài sản đã tiến hành kê khai và công khai. Chưa có cá nhân nào thuộc thẩm quyền Bộ phải giải trình về việc kê khai tài sản, thu nhập. Chánh thanh tra Bộ cũng nhận định, việc kê khai nhận quà và nộp lại quà tặng là một giải pháp khó thực hiện, phụ thuộc vào ý thức và sự tự giác của các cá nhân, chưa có biện pháp kiểm soát. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy định về nhận và nộp quà tặng.

Theo Bộ Lao động, việc phát hiện dấu hiệu tham nhũng qua kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức vẫn còn khó khăn, cần luật hóa đầy đủ và có biện pháp kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức để họ không thể che giấu, tẩu tán tàn sản do tham nhũng mà có. Trong việc kê khai tài sản, một số quy định còn mù mờ, ví dụ kê khai giá trị nhà ở, cây cảnh, đối tượng sở hữu tài sản… cần có những quy định rõ ràng hơn.

Báo Dân Trí thông tin thêm, liên quan tới vấn đề tham nhũng, Bộ Ngoại giao cũng khẳng định pháp luật phòng chống tham nhũng được triển khai toàn diện, rộng khắp nên chưa có trường hợp tham nhũng nào phải chuyển cho cơ quan điều tra, xét xử, giải quyết. Bộ Công Thương cũng chưa phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng.

Phát biểu tại buổi tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng ở Bộ Công thương mới đây, ông Phạm Trọng Đạt thẳng thắn cho rằng việc chỉ phát hiện 1 vụ vi phạm bị xử lý kỷ luật và vỏn vẹn 25 triệu đồng giá trị quà tặng nộp về của 4 cá nhân được nêu ra trong báo cáo là chuyện khó tin.

Tương tự, báo Đất Việt đưa tin, một số địa phương cũng không phát hiện tham nhũng trong 10 năm qua. Ngày 6/1, tỉnh Quảng Nam đã nối dài danh sách các tỉnh, thành 10 năm "không phát hiện cán bộ nhận quà".

Tỉnh Khánh Hòa không phát hiện công chức vi phạm quy định về nhận, nộp lại quà tặng và vi phạm về quy định kê khai tài sản, thu nhập suốt 10 năm.

Riêng trong năm 2015, báo cáo của UBND TP gửi HĐND TP Hà Nội khẳng định, “qua kiểm tra nội bộ chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu tội phạm tham nhũng”.

Còn TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2015, qua công tác thanh tra chưa phát hiện trường hợp tham nhũng. Ngoài ra, qua kiểm tra xử lý nội bộ, cũng không phát hiện trường hợp tham nhũng nào.

Theo doisongphapluat

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ