Thành phố Vũ Hán trong thơ Trung Quốc

Thành phố Vũ Hán trong thơ Trung Quốc

Đó là một lầu Hoàng Hạc sững ngàn năm, dòng sông Dương Tử mù khói sóng, dòng sông Hán chảy dài soi bóng Vũ Hán đầy những trầm tích thời gian.

“Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” của Lí Bạch và “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu là hai bài thơ nổi tiếng ghi lại vẻ đẹp của một Vũ Hán cổ kính trong văn học Trung Quốc.

Hanh hao – nỗi niềm

Đến Hồ Bắc, chắc hẳn ai cũng mong được một lần ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Vũ Hán bên ngã ba sông Dương Tử và sông Hán (Hán Thủy) từ góc nhìn trên lầu Hoàng Hạc. Người đời nay khó mà hình dung ra được một lầu Hoàng Hạc xa xưa đẹp và nguy nga đến độ nào, cũng không biết chắc rằng Hoàng Hạc lâu có giống như hình vóc của Hoàng Hạc hôm nay hay không.

Nhưng khi đọc “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu, người ta nhận ra một Hoàng Hạc lâu tuyệt đẹp. Trải qua 1250 năm, lầu Hoàng Hạc vẫn giữ được nét đẹp vốn có của nó, vừa thần tiên, huyền diệu, vừa thơ mộng hữu tình. Vẫn lầu cao vọng gác, vẫn mây trắng ngàn năm phủ quanh khiến ta ngỡ như mình lạc giữa chốn bồng lai:

“Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,

Bạch vân thiên tải không du du”.

Hai câu thơ đẹp và tròn trịa từng từ ngữ. Trong văn hóa phương Đông, chim hạc biểu tượng cho sự thanh cao, quyền quý, sự trong sáng và tinh khôi.

Tản Đà đã dịch hai câu thơ trên của Thôi Hiệu thật sát nghĩa, rằng: “Hạc vàng đi mất từ xưa - Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay”. Nghĩa rằng: Chim hạc đã không còn nhưng mây trắng vẫn bay chơi vơi giữ gìn khung cảnh thần tiên cho lầu Hoàng Hạc.

Từ trên lầu Hoàng Hạc trông ra xa xa, dòng Trường Giang (Dương Tử) sóng trắng tựa hồ như vỗ cả lưng trời. Cũng chính tại nơi này, năm xưa, Lí Bạch đã từng tiễn người bạn thân Mạnh Hạo Nhiên, cũng chính là nhà thơ thuộc thế hệ đàn anh của mình đi Quảng Lăng giữa mùa hoa nở rộ (“Yên hoa”):

“Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu

Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”

Người bạn cũ (“cố nhân”) từ phía Tây của lầu Hoàng Hac (so với Dương Châu) mà ra đi. Khúc hát giã bạn lên đường bất chợt ngân lên trong lòng thi nhân khi thiên nhiên diễm lệ của mùa xuân lẫn xúc cảm buồn thương khi xa bạn trong lòng thôi thúc Lí Bạch viết ra những vần thơ đẹp.

Người ra đi trong mùa hoa nở trong sương mù như có khói phủ (“yên”: Khói, “hoa”: Hoa), trên dòng sông Trường Giang. Lầu Hoàng Hạc bấy giờ trở thành điểm nhớ thân thương, biểu tượng của cuộc chia li xa cách.

Nhưng dù trong bất kì hoàn cảnh nào, cảm xúc nào đi chăng nữa thì lầu Hoàng Hạc vẫn đẹp và khung cảnh quanh lầu Hoàng Hạc vẫn quyến rũ lòng người. Nhà thơ đã di chuyển điểm nhìn của mình ra xa xa, ngắm dòng sông, ngắm cỏ cây hoa lá:

“Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu”

Trên đất Hán Dương bên bờ sông Trường Giang phía đối diện với lầu Hoàng Hạc, hàng cây xanh (“thụ”) phản chiếu trên dòng sông xanh, cỏ thơm (“thảo”) mơn mởn mọc đầy trên đất Anh Vũ. Mọi thứ đang ở thời điểm tươi non, điểm tô cho cảnh đẹp quanh lầu Hoàng Hạc.

Ngay trong lúc bạn thân vừa đi xa, Lí Bạch trông ra thoáng thấy cánh buồm (“phàm”) và khoảng không xanh biếc (“viễn ảnh bích không tận”). Lí Bạch đã khéo léo đặt cái nhỏ nhoi vào trong không gian bao la, mênh mông huyền ảo, khiến cánh buồm càng cô độc, lẻ loi hơn (“cô phàm”: Cánh buồm cô đơn). Lòng người vì thế mà hanh hao khó tả:

“Cô phàm viễn ảnh bích không tận

Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu”.

Bạn xa rồi, cánh buồm thoáng chốc cũng mất hút vào khoảng không, vào mù mờ khói sóng. Trong tầm mắt Lí Bạch chỉ còn dòng Trường Giang mênh mông đang chảy mạnh bên trời (“thiên tế lưu”). Chiếc thuyền chở bạn cô độc giữa dòng sông, còn Lí Bạch cô đơn, bơ vơ giữa lầu Hoàng Hạc với những nỗi niềm sâu kín.

Sầu não – xốn xang

Và đứng trên lầu Hoàng Hạc giữa đất Hồ Bắc bạt ngàn, tâm hồn Thôi Hiệu cũng dâng lên niềm nhớ thương quê nhà da diết. Cảnh lầu Hoàng Hạc trong bóng chiều làm lòng người lữ thứ sầu não, xốn xang:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu”

Thôi Hiệu nhìn cảnh chiều tối (“mộ”), khói và sóng trên sông (“yên ba giang thượng”) mà lòng nổi mối u sầu (“sử nhân sầu”). Cái nỗi sầu vạn cổ mấy ngàn năm vẫn ngấm ngầm, chảy tràn trong lòng người không biết lúc nào ngưng dứt.

Chẳng những người đời xưa nhớ quê hương da diết khi ngắm nhìn khói sóng trên sông quyện trong bóng chiều ta mà người đời nay vẫn thế, muôn đời vẫn không đổi thay.

Sông Trường Giang, lầu Hoàng Hạc ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (ngày nay) đã đi vào những áng văn chương bất hủ. Tại lầu Hoàng Hạc cũng là nơi dạo chơi, tức cảnh sinh tình mà làm thơ để lại cho đời.

Chính Lí Bạch cũng đã từng tiễn bạn lên đường tại nơi đây và khi thấy bài thơ “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu ông cũng đề vài dòng vào vách lầu Hoàng Hạc:

“Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất trắc

Thôi Hiệu để thi tại thượng đầu”

(Trước mắt có cảnh đẹp mà nói không được vì đã có thơ của Thôi Hiệu đề ở trên rồi).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.