Thành phố ở Trung Quốc dừng nhập thực phẩm đông lạnh, Hà Lan xem xét phong tỏa toàn quốc để chống Covid-19

GD&TĐ - Theo Worldometer, thế giới có hơn 252,6 triệu ca mắc Covid-19, gồm hơn 493.620 ca mới. Số ca tử vong là 5.094.839 ca, gồm 6.488 ca mới. Số ca hồi phục là hơn 228,5 triệu ca.

Xét nghiệm Covid-19 ở Trung Quốc
Xét nghiệm Covid-19 ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc, nhà chức trách Bắc Kinh đã đóng cửa và phong tỏa một số khu dân cư vì số ca mắc Covid-19 tăng lên. Hôm qua (11/11), 6 ca mới đã được phát hiện ở các quận trung tâm Chaoyang và Haidian, tất cả đều có tiếp xúc gần với những người mới nhiễm ở tỉnh Kỳ Lâm ở đông bắc đất nước.

Nhà chức trách Bắc Kinh cho biết 280 ca tiếp xúc gần đã được xác định và gần 12.000 người đã được xét nghiệm virus cả ở 2 quận Changyan và Haidian.

Tại thành phố cảng Đại Liên, nhà chức trách đã yêu cầu tất cả các doanh nghiệp liên quan tới thực phẩm đông lạnh phải dừng hoạt động kể từ khi một đợt dịch bùng phát vào tuần trước. Thành phố cảng phía đông bắc này đã báo cáo hơn 80 ca Covid-19 trong tuần qua.

Không giống các quốc gia khác, Trung Quốc nói rằng thực phẩm đông lạnh có nguy cơ làm lây lan Covid-19 và nhà chức trách ở đây từ chối thực phẩm từ nước ngoài nếu phát hiện virus trên bao bì. Trong khi đó, WHO cho rằng chưa có bằng chứng cho thấy thực phẩm hay bao bì là con đường làm lây lan virus.

Trong khi ngày càng có thêm các quốc gia nới lỏng chống Covid-19, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “zero Covid” vốn khiến nước này phải đóng cửa đường biên giới kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Tại Đức, người có khả năng trở thành Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi công dân tiêm vắc xin chống Covid-19. Sự việc diễn ra khi quốc hội nước này tranh luận về các quy định mới nhằm giải quyết làn sóng lây nhiễm thứ 4 mà không áp đặt lệnh phong tỏa hoặc bắt buộc tiêm vắc xin.

Hôm qua, Đức báo cáo kỷ lục số ca mới là 50.196 ca. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Đức lập kỷ lục về số ca mắc hàng ngày.

3 bên đàm phán để thành lập chính phủ mới của Đức đã đồng ý để tình trạng khẩn cấp áp dụng kể từ khi đại dịch bắt đầu hết hiệu lực vào ngày 25/11, bất chấp số ca mắc tăng lên. Một số chính trị gia Đức coi tình trạng khẩn cấp cho phép chính phủ qua mặt quốc hội, không còn cần thiết khi đã có nhiều người tiêm chủng và cần tạo ra một quy tắc bình thường mới tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.

Hà Lan có thể trở thành quốc gia đầu tiên ở Tây Âu áp đặt phong tỏa toàn quốc kể từ mùa hè 2021 khi số ca mắc Covid-19 mới tăng mạnh. Ủy ban tư vấn đại dịch quốc gia Hà Lan đã khuyên chính phủ áp đặt phong tỏa một phần trong vòng 2 tuần.

Các biện pháp giới hạn đang được xem xét trên sẽ không bao gồm việc đóng cửa trường học nhưng nhiều sự kiện sẽ bị hủy bỏ, các nhà hát và rạp chiếu phim phải đóng cửa.

Đến nay, Hà Lan đã tiêm tăng cường cho một nhóm nhỏ những người có hệ miễn dịch kém. Từ tháng 12, Hà Lan sẽ tiêm tăng cường cho người trên 80 tuổi trở lên. Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng ở người lớn đạt gần 85%, các bệnh viện ở nhiều nơi phải thu hẹp quy mô chăm sóc thường xuyên để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Theo CNA/Worldometer

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.