Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất dùng ứng dụng "PC-Covid" khi tham gia các hoạt động

GD&TĐ - Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất người dân sử dụng ứng dụng "PC-Covid" khi tham gia các hoạt động theo Quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Quyết định về quy định tạm thời các biện pháp "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành, về ứng dụng mã QR cá nhân, Thành phố Hồ Chí Minh quy định thống nhất từ ngày 16/11, người dân sử dụng ứng dụng "PC-Covid" của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 khi tham gia các hoạt động theo Quyết định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Các hoạt động kinh tế - xã hội tuân thủ quy định của các bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, việc áp dụng các biện pháp, hoạt động kinh tế - xã hội căn cứ trên cơ sở đánh giá, diễn biến tình hình dịch bệnh; phát huy tính chủ động của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Quy định chung về điều kiện tham gia các hoạt động gồm về điều kiện chung, người tham gia các hoạt động phải tiêm ít nhất 1 liều vắc xin đối với loại 2 liều sau 14 ngày hoặc đã khỏi Covid-19; người thuộc diện phải tiêm vắc xin nhưng không thể tiêm do có chống chỉ định phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế về chống chỉ định; trẻ em chưa đến tuổi tiêm vắc xin được tham gia các hoạt động khi đi kèm với người lớn đã tiêm vắc xin; các yêu cầu về xét nghiệm được thực hiện khác nhau theo từng hoạt động.

Đối với các hoạt động của cơ quan, công sở, giao thông giáo dục, Quy định yêu cầu hoạt động phải đảm bảo tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của Trung ương, Thành phố ở các khu vực cấp 1, cấp 2. Đáng chú ý, hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe mô tô có sử dụng công nghệ có đăng ký được hoạt động có điều kiện, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải, trong đó được hoạt động ở khu vực cấp độ 1, ở khu vực cấp độ 2 hoạt động hạn chế không quá 50% số xe của từng đơn vị.

Đối với các hoạt động khác, việc tổ chức hoạt động ở khu vực đạt cấp độ 1, các khu vực còn lại hoạt động hạn chế có điều kiện hoặc không hoạt động. Đáng chú ý, các cơ sở kinh doanh dịch vụ như massage, spa, làm đẹp, quán bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke được hoạt động tại các phường, xã, thị trấn cấp độ 1; bảo đảm Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Người làm việc phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi Covid-19; người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi Covid-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ; hoạt động tối đa 50% công suất tại cùng một thời điểm.

Tương tự, hoạt động thư viện, phòng đọc sách; rạp chiếu phim, điện ảnh; cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật trò chơi điện tử được tổ chức hoạt động đảm bảo bảo đảm Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19; khu vực cấp độ 2 được hoạt động phục vụ tối đa 50%, cấp độ 3 tối đa 25% số lượng khách, khán giả, độc giả.

PC-Covid là ứng dụng tổng hợp các tính năng hiện có của các app (ứng dụng) chống dịch Covid như NCOVI, Bluezone, VHD bao gồm: Khai báo y tế; Phản ánh; Quét mã QR; Tiếp xúc gần; Thông tin tiêm, xét nghiệm...  Các tính năng này được Trung tâm công nghệ thiết kế lại sao cho thuận tiện nhất với người dùng trên PC-Covid.

PC-Covid được thiết kế để liên thông, đối soát, xác thực với 4 nguồn dữ liệu đã có gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý), Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý); Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng, phòng ngừa Covid-19 (do Bộ Y tế quản lý) và Cơ sở dữ liệu về xét nghiệm Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.