Thành phố Hồ Chí Minh tạm dừng nhiều loại hình dịch vụ, chợ tự phát để phòng chống dịch

GD&TĐ - Tối 19/6, UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị khẩn số 10 yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận huyện, TP tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của TP.HCM về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng dịch Covid-19.

Lực lượng y tế phun thuốc khử khuẩn tại các khu vực có nguy cơ. Ảnh minh họa
Lực lượng y tế phun thuốc khử khuẩn tại các khu vực có nguy cơ. Ảnh minh họa

Trong đó, thực hiện cách ly, phong tỏa đối với các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát tình hình dịch bệnh tại các địa phương.

Dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát; dừng hoạt động của taxi, xe công nghệ, xe liên tỉnh và các tuyến xe buýt.

UBND TP Thủ Đức và các quận huyện tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các chợ truyền thống trên địa bàn; tạm dừng hoạt động đối với các chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

Không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tác 5K của Bộ Y tế. Yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5 mét giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cá nhân, tổ chức. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận - huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn quản lý.

Yêu cầu mọi người ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn.

UBND TP.HCM kêu gọi toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng, chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đẩy đủ các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình.

Đối với các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân Thành phố và nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp được hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người lao động tối thiểu 1.5 mét, mang khẩu trang tại nơi làm việc, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn, đảm bảo thông thoáng thường xuyên và có văn bản cam kết tuân thủ phòng, chống dịch. Người đúng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị, cơ sở mình, đảm bảo sức khỏe, an toàn tuyệt đối cho người lao động.

Các cơ quan, đơn vị nhà nước đảm bảo yêu cầu về giãn cách trong quy trình làm việc; các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn, bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết các công việc thật sự cần thiết và tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K của Bộ Y tế.

UBND TP.HCM cũng yêu cầu dừng các hoạt động hội họp không cần thiết. Trong trường hop cần thiết phải tổ chức, các sự kiện, cuộc họp không quá 10 người trong một phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt được chính quyền địa phương cho phép và tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K.

Đối với các cơ quan, đơn vị nhà nước: Tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở. Số lượng người làm việc tại công sở không quá 1/2 tổng số người lao động; riêng lực lượng vũ trang và ngành y tế TP.HCM đảm bảo 100% quân số.

Đồng thời, đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tạm thời không nhận hồ sơ trực tiếp của người dân, doanh nghiệp (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị quyết định). Người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.HCM nếu không hoàn thành nhiệm vụ công tác và chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lấy nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.

Về hoạt động giao thông vận tải: Tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy nội địa), hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân theo chỉ đạo của UBND TP. Các trường hợp vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất vẫn hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Cũng tại Chỉ thị này, UBND TP.HCM giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở - ngành và nhấn mạnh: Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong những ngày gần đây lên đến 03 con số và có những ca bệnh chưa rõ nguồn lây, dự báo sẽ xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm trong cộng đồng.

Tại tất cả các cuộc họp và văn bản chỉ đạo, lãnh đạo TP.HCM luôn nhấn mạnh việc các cấp, các ngành, các lực lượng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là tăng cường các khâu kiểm tra, giám sát và công tác kiểm soát phòng chống dịch trên địa bàn; phải theo dõi hàng ngày việc triển khai các giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi khu phố, ấp là một pháo đài và mỗi quận, huyện là một mặt trận".

Tải nội dung Chỉ thị số 10 của UBND TPHCM: Tại đây

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.