Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế đã có văn bản trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh tham mưu chuyển đổi công năng, duy trì hoạt động Bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị và Trung tâm hồi sức Covid-19.
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp duy trì các Bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị Covid-19 tại các quận, huyện; cơ sở thu dung điều trị tại Khu chế xuất - Khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, sắp xếp lại bệnh viện đã chuyển đổi công năng, tách đôi điều trị Covid-19 như Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Trưng Vương, An Bình... phục hồi lại công năng hoặc thành lập khoa điều trị Covid-19.
Song song đó, ngành y tế cũng trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh ngưng hoạt động Trung tâm hồi sức Covid-19 và tạm ngưng hoạt động của các Bệnh viện dã chiến số 6, số 8 và số 12.
Lý giải về việc tạm ngưng Trung tâm hồi sức Covid-19, đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay số bệnh nhân nằm điều trị tại đây rất ít nên cơ sở này đã hoàn thành sứ mệnh của mình và sẽ được trả lại cho Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 để tiếp tục đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân có liên quan đến bệnh lý về ung thư. Khi bệnh viện được phép giải thể, các trường hợp đang chữa bệnh tại đây sẽ được chuyển về Bệnh viện dã chiến 3 tầng tiếp tục điều trị.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thêm, Thành phố sẽ duy trì Bệnh viện dã chiến 3 tầng gồm Bệnh viện dã chiến số 13, 14 và 16. Trong đó, các Trung tâm hồi sức Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 14 và 16 vẫn đảm bảo 600 giường hồi sức; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy sẵn sàng mỗi bệnh viện 200 giường hồi sức.
Ngành y tế đảm bảo luôn sẵn sàng 1.000 giường hồi sức và những bệnh viện giải thể sẵn sàng kích hoạt lại trong vòng 24 giờ khi số ca bệnh tăng lên.