Thành phố hai bên sông Hồng, Hà Nội: Chưa có nghiên cứu dòng chảy

Thành phố hai bên sông Hồng, Hà Nội: Chưa có nghiên cứu dòng chảy

Không trị thủy, đừng mong thành phố bên sông

Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho hay, việc cần thiết của Thủ đô là hoàn thiện nốt các quy hoạch phân khu. Trong đó có quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, sử dụng nguồn tài nguyên bãi ven sông. Muốn quy hoạch hai bên bờ sông Hồng và các dòng sông khác, phải làm quy hoạch thoát lũ.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho hay, về ý tưởng xây dựng thành phố sông Hồng có rất nhiều. Năm 2017, một số tập đoàn lớn trong nước như: Sun Group, Vingroup, Geleximco cũng đề xuất tự nguyện tài trợ kinh phí cho công tác nghiên cứu quy hoạch. Đặc biệt là vấn đề trị thủy, giao thông dọc sông Hồng. Hà Nội cũng có chủ trương giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp 3 nhà đầu tư nghiên cứu, đưa ý tưởng...

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết, cho đến nay chưa có bất cứ nghiên cứu tổng thể nào về dòng chảy của sông Hồng. Tất cả các nhận định đều chỉ dựa vào tính chất chung của dòng sông. Làm thí nghiệm tổng thể về sông Hồng sẽ rất tốn kém. Buộc phải sử dụng mô hình không gian 3 chiều, tái hiện trên một vùng rất rộng lớn cả về chiều rộng và sâu của sông.

Thời điểm Hàn Quốc có ý tưởng giúp Việt Nam để xây dựng thành phố ven sông, họ có thực hiện thí nghiệm trong máng mô hình phẳng chứ không phải mô hình không gian. Do vậy, nó không đúng với thực tế và dự án chưa thể triển khai được. Cho đến nay mới có các nghiên cứu về từng đoạn của sông Hồng, nhưng nó không có ý nghĩa gì. Vì để xây dựng quy hoạch cả thành phố ven sông thì buộc phải nghiên cứu tổng thể về các quy luật xói lở, dòng chảy, thoát lũ… của sông Hồng.

Bị bóp nghẹt sẽ trên lũ dưới xói mòn

Năm 1996, dự án Trấn sông Hồng được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng ngoài đê khu vực An Dương. Phía Singapore đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp Hà Nội có một tiểu khu như ở đảo quốc sư tử. Năm 2005, Công ty Indochina Land (Hoa Kỳ) đề xuất dự án khu đô thị khoa học tại đây. Năm 2004 thì lại có dự án HAIDEP nằm trong Chương trình phát triển tổng thể Thủ đô Hà Nội giữa Việt Nam - Nhật Bản trong đó đề xuất khai thác phát huy hai bên sông Hồng. Đến năm 2006 là dự án thành phố bên sông do lãnh đạo thành phố Hà Nội và thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn qua Hà Nội. 

Sông Hồng là mạch sống của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ. Con sông này không chỉ chảy từ Trung Quốc về mà còn kết nối với hàng loạt con sông khác như sông Lô, sông Đà, sông Chảy, sông Luộc... Do vậy, nếu dòng chính bị xáo trộn sẽ làm ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống sông ngòi của đồng bằng Bắc Bộ. Hà Nội đang đặt ra vấn đề này để thực hiện nhưng chắc chắn kinh phí không nhỏ. Trước đây, khi xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, Liên Xô có nghiên cứu về độ dốc của sông Hồng có thay đổi không khi làm đập Hòa Bình. Và họ kết luận không thay đổi.

"Hà Nội muốn xây dựng thành phố bên sông phải trả lời được câu hỏi nó sẽ ảnh hưởng gì đến thượng nguồn là Phú Thọ, Lào Cai, hạ nguồn là Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình. Cần thiết thì phải thuê chuyên gia nước ngoài làm. Trong mô hình này, khó nhất là đo chiều sâu vì sông Hồng có rất nhiều loại kết cấu, chỗ này là đá, chỗ kia là đất sét, chỗ kia là cát. Tất cả các dự án đều chỉ xây dựng dựa trên mô hình nhỏ chứ không có số liệu chắc chắn về sông Hồng, do vậy ít có tính khả thi", GS.TS Vũ Trọng Hồng cho hay.

Trong lịch sử, đồng bằng Bắc Bộ được phát triển theo triền của sông Hồng. Đây là dòng sông cổ, có thể tới hàng nghìn năm tuổi. Nó chủ yếu là phù sa, cát mịn, khác với các dòng sông ở miền núi, rất dốc và đáy đều là đá. Chúng ta phải tuân theo quy luật phát triển của sông Hồng. Do cấu tạo của một dòng sông cổ như vậy nên dòng chảy có thể thay đổi liên tục. Khi quy hoạch hai bên bờ, dòng sông khi mất đi bùn cát, theo quy luật, nó phải tìm lại bùn cát. Khi đó sẽ xảy ra tình trạng xói lở bờ sông ở các khu vực khác.

Theo GS Vũ Trọng Hồng, nếu dòng sông đang chảy mà bóp nó lại thì về mùa lũ, ở thượng lưu nước sẽ dâng lên, còn hạ lưu nước sẽ xói rất mạnh. Ví dụ, ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ sẽ gặp nguy hiểm vì nước dâng lên, các bãi bị úng hết, hàng ngàn ha cây nông nghiệp sẽ chết hết. Trong khi đó Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình sẽ bị xói mạnh.

Việc này không phải là dự đoán nữa mà đã xảy ra ở Đồng Nai. Đồng Nai lập dự án lấp sông, nhưng bị TPHCM và Bình Dương phản đối. Cuối cùng Chính phủ yêu cầu phải dỡ bỏ và khi dỡ bỏ rất tốn kém. Ấy là vì nếu lấp sông thì ở dưới xói rất mạnh và mùa khô không có nước. Trên thế giới, không ai làm nhà trên sông cổ cả. Vậy nên nếu quy hoạch hai bên sông, nhất thiết không xây dựng các nhà cao tầng với bê tông cốt thép, đường xá nườm nượp… mà cân nhắc sao cho hài hòa với thiên nhiên.

Một bài toán khác là lũ sẽ thoát theo đường nào nếu quy hoạch lại sông Hồng? Trước đây trong lòng sông Hồng có một số đoạn cho phép người dân sống và sản xuất, được bảo vệ bằng đê tạm, gọi là đê bối. Khi lũ về, dân phải lên bờ, cho phép lũ tràn qua. Nay một số đê bối được xây dựng kiên cố và cho phép người dân sống trong đó, không phải di chuyển khi có lũ.

Để quy hoạch sông Hồng, Bộ NN&PTNT phải tính toán lại lượng lũ về, xem có vượt quá khả năng chứa của lòng sông không? Bằng cách tính toán ở đoạn hẹp nhất của sông Hồng với tốc độ nước lũ 2 vạn mét khối/giây có tràn qua cao trình 13,4m như Hà Nội đề ra hay không? Khả năng lớn là rất khó đạt được điều này.

"Sông Hồng bị phụ thuộc vào thượng nguồn. Nếu bị chặn dòng bởi thủy điện thì lượng bùn cát sẽ không chảy về. Nếu không có bùn, cát thì sông sẽ bị chuyển dòng, phá sang hai bên. Do vậy, phải rất cẩn trọng khi tác động trực tiếp vào sông Hồng", GS.TS Vũ Trọng Hồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ