Thanh niên đánh người

GD&TĐ - Ngày 19/8, khi cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe vì thấy có dấu hiệu vi phạm, sau đó lập biên bản vì nồng độ cồn vượt mức cho phép khi tham gia giao thông; Trần Văn Trạng (22 tuổi, quê ở Bạc Liêu) đã nhặt đá tấn công khiến một cảnh sát giao thông bị thương.

Ảnh internet
Ảnh internet

Khi đồng đội đến hỗ trợ không chế Trạng thì Hà Văn Nghĩa (25 tuổi, quê ở Đắk Lắk, người không liên quan đến vụ việc, không quen biết Trạng) tấn công lại. Sau đó, tổ tuần tra của cảnh sát giao thông ở khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành (Đồng Nai), với sự hỗ trợ của người dân đã khống chế, đưa Trạng và Nghĩa về trụ sở công an làm việc. Bước đầu xác định, hành vi của Trạng và Nghĩa có dấu hiệu chống người thi hành công vụ nên cơ quan chức năng đã tạm giữ cả hai để phục vụ công tác điều tra.

Rạng sáng 20/8, ông Nghiêm Vĩ Bân (sinh năm 1965, Việt kiều Đức) đến Công an phường 12 (quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) trình báo về việc bị đánh hội đồng, nhưng cán bộ trực ban hướng dẫn đến bệnh viện chữa trị vết thương, để buổi chiều cùng ngày quay trở lại khai báo chi tiết vụ việc.

Chiều 20/8, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 10 cho biết đã tiếp nhận đơn trình báo của ông Bân. Ông Bân cho rằng, trong lúc đi thang máy tại quán Karaoke trên đường Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, ông bị nhóm thanh niên đánh vào đầu. Ông quay lại hỏi thì xảy ra mâu thuẫn. Vừa xuống tầng trệt, ông Bân bị nhóm thanh niên đánh túi bụi, gây thương tích khắp mặt. Vụ việc đang được công an làm rõ…

Đấy chỉ là 2 vụ thanh niên đánh người mới xảy ra. Khi vào trang tìm kiếm thông tin lớn nhất thế giới Google, gõ cụm từ “thanh niên đánh người” vào sáng 21/8, chỉ sau 0,67 giây đã cho ra 75,6 triệu kết quả. Thật ngoài sức tưởng tượng! Đọc qua các thông tin thì thấy đủ các lý do dẫn đến việc thanh niên đánh người, đánh người thi hành công vụ, thậm chí đánh chết người… Đó là những lý do bột phát, chủ ý, hết sức vô lý, bất cần đời, vô pháp, như chỉ là do “nhìn đểu”, “nhìn nhầm”, bực vì cãi nhau với vợ còn bị hỏi nhiều, “giải cứu bạn gái”, va chạm khi đi đường, vi phạm Luật Giao thông, mâu thuẫn trong kinh doanh, trong ăn nhậu…

Đọc kỹ thêm thì những thanh niên đánh người này đa phần là những đối tượng vô công rồi nghề, chơi bời lêu lổng, không có việc làm, thích thể hiện, ngông cuồng mất kiểm soát. Phần lớn trong số họ đều có sử dụng rượu, bia trước khi đánh người…

Rõ ràng, để hạn chế tình trạng táo tợn, xem thường pháp luật này, trước hết phải nghiêm trị để đủ sức răn đe, cảnh báo những trường hợp ở hoàn cảnh tương tự. Sau nữa, là sự giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội, để có thể giúp những người trẻ có nền tảng học vấn, đạo đức, biết tôn trọng pháp luật và quan trọng nhất là tự ý thức học hành để đủ sức tìm kiếm việc làm có thể nuôi sống bản thân một cách chính đáng, trở thành người tốt trong xã hội… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ