Thanh niên đăng đàn về quyền của người chưa thành niên

GD&TĐ - Những câu chuyện người thật, việc thật do thành viên đại diện nhóm Thanh niên chia sẻ đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham gia Hội thảo Quyền của người chưa thành niên trong Bộ Luật Lao động sửa đổi do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam và UNICEF tổ chức ngày 23/4 tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Em Đoàn Ngọc Bảo - đại diện nhóm khuyết tật - chia sẻ, lúc bé em hay bị trêu chọc, thậm chí là xua đuổi. Chán chường, em bỏ học, xin làm ở một cơ sở tư nhân. Quá trình làm việc, em không có thiết bị bảo hộ, không được hỗ trợ, tạo điều kiện lao động và thường bị mắng mỏ vì không làm nhanh như người khác… “Em mong có một điều luật để bảo vệ trẻ em tốt hơn” - Ngọc Bảo đề xuất.

Còn Nguyễn Văn Tuấn - hoạt động xã hội trong cộng đồng LGBT - lại kể chuyện về người bạn LGBT, khi xin việc bị từ chối không nhận hồ sơ với lý do: “Muốn làm việc ở đây thì hoặc là con trai, hoặc là con gái, nếu ở giữa như em thì khó hòa nhập”. Theo Tuấn, người LGBT đang phải chịu những áp lực vô hình (bị kỳ thị, xa lánh…) và áp lực hữu hình (gặp bất công khi tiếp cận nhà vệ sinh, xin việc làm...).

Những câu chuyện chia sẻ tại Hội thảo cùng những phân tích thực tiễn của các chuyên gia cho thấy sự cần thiết sửa đổi Bộ luật Lao động, trong đó có nội dung sửa đổi liên quan đến người chưa thành niên như: Bảo vệ quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc của công dân (điều 35 Hiến pháp); Nghiêm cấm sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu; Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và GD. Nghiêm cấm lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em; Người chưa thành niên, trẻ em khi tham gia lao động với tư cách là người lao động thì ngoài việc phải tuân thủ các quyền, nghĩa vụ cơ bản về điều kiện lao động thì còn phải tuân thủ các quy định riêng cho lao động chưa thành niên…

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Thị Hà, lần sửa đổi Bộ luật Lao động này sẽ là cơ bản, toàn diện nhằm góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, thúc đẩy thị trường lao động phát triển, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 5 năm áp dụng trên thực tế và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ