Ngày 30/9, tại TPHCM, Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM và Tập đoàn Đèo Cả công bố thành lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả (DCI).
DCI là kết quả hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp nhằm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ hiện đại.
Viện nghiên cứu này cũng dựa trên sự cộng hưởng thế mạnh của hai đơn vị. Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM có đội ngũ chuyên gia trình độ cao, nhiều kinh nghiệm, có mạng lưới hợp tác rộng rãi trong và ngoài nước, cơ sở vật chất ngày càng được đầu tư.
Trong khi đó, Tập đoàn Đèo Cả có hội đồng cố vấn là những chính khách, chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực. Đội ngũ cán bộ, kỹ sư quản lý của tập đoàn giàu năng lực, kinh nghiệm cùng tập thể công nhân lành nghề.
Mục tiêu của DCI là thực hiện các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu; tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới và bền vững trong lĩnh xây dựng công trình, hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam.
Viện cũng sẽ cung cấp nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực xây dựng công trình, hạ tầng và giao thông vận tải; tham mưu chính sách, chiến lược phát triển công nghệ vật liệu và hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam.
Ông Lê Quỳnh Mai, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, Phó Viện trưởng DCI cho biết, viện sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ chính: Đào tạo gắn liền thực tế “học đi đôi với hành” để sinh viên bắt nhịp được yêu cầu công việc của doanh nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp; Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ thi công; Tư vấn công nghệ và thực hiện dự án; Đầu mối hợp tác quốc tế với các doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Sắp tới, DCI sẽ đầu tư, xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm của ngành giao thông, trong đó làm chủ các thí nghiệm đặc thù mà ở Việt Nam chưa tự thực hiện được như: hầm gió, động đất, kết cấu nhịp lớn như cầu treo dây võng, cầu treo dây văng, vật liệu mới...
Lễ ký kết hợp tác giữa DCI và các trường đối tác. Ảnh: DCI |
Trong khuôn khổ chương trình công bố thành lập DCI, Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM và Tập đoàn Đèo Cả tổ chức tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực hạ tầng giao thông”.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải đã cung cấp nhiều thông tin về nhu cầu nguồn nhân lực hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tọa đàm cũng nêu những tồn tại, bất cập trong việc quản lý đầu tư các dự án hạ tầng giao thông từ góc độ nhà nước; ngành giao thông đã có sự chuẩn bị thế nào về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị và đặc biệt là nguồn nhân lực sau khi cao tốc Bắc Nam hoàn thành; chia sẻ những kinh nghiệm hợp tác về đào tạo với các trường đại học.