Thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở: Tạo sự yên tâm cho nguồn lao động bền vững

GD&TĐ - Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, các đại biểu thảo luận bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế, trong đó có đề xuất về xem xét thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở

Nhà ở cho công nhân là một trong những yếu tố quan trọng để phục hồi thị trường lao động bền vững. Ảnh minh họa
Nhà ở cho công nhân là một trong những yếu tố quan trọng để phục hồi thị trường lao động bền vững. Ảnh minh họa

Khuyến khích doanh nghiệp xây ký túc xá cho công nhân

Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Lưu Quang Tuấn cho biết, đến nay nước ta đã trải qua 4 làn sóng Covid-19. Đại dịch đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 làm tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021 giảm chỉ còn 1,42%. Ở một số thời điểm, đại dịch Covid-19 đã tác động rất mạnh đến tình hình lao động, việc làm và an sinh xã hội của người dân.

Cũng theo ông Lưu Quang Tuấn, đại dịch diễn biến phức tạp, làm xuất hiện và gia tăng các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương. Đây là đối tượng cần được trợ giúp mà hệ thống an sinh xã hội hiện hành chưa bao phủ tới.

“Trong bối cảnh này, Đảng và Nhà nước đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội chưa có tiền lệ để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch. Đây là các quyết sách quan trọng, kịp thời bổ sung và gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống an sinh xã hội ứng phó kịp thời và hiệu quả hơn trong đại dịch. Đến nay, các chính sách hỗ trợ về cơ bản đã được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích. Đồng thời đảm bảo nguyên tắc “hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn…””, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, thời gian tới cần nghiên cứu, đánh giá tổng thể tác động của đại dịch đến các nhóm đối tượng để làm cơ sở xây dựng chính sách, kế hoạch đặc thù, thực hiện giải pháp sau đại dịch. Nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các nhóm đối tượng trong và sau đại dịch. Đồng thời, cần khẩn trương sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm y tế…

Ngoài ra, tăng cường và hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi các trường hợp khẩn cấp trên diện rộng. Đảm bảo quy trình xác định đối tượng, xác định thiệt hại và thủ tục hành chính được rút gọn tối đa để đảm bảo hỗ trợ kịp thời.

Trong khuôn khổ nội dung thảo luận, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang Phạm Văn Thịnh đề xuất việc xem xét thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở. Ông Thịnh đề nghị trong Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội tới đây, Quốc hội và Chính phủ nên có thiết kế chính sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khu vực đô thị và khu công nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng ký túc xá cho công nhân trong khu công nghiệp.

Ông Thịnh cho rằng, cần tăng tỷ lệ diện tích sàn thương mại hoặc đất ở thương mại từ 20% lên 30 - 40% để dự án nhà xã hội có thêm nguồn cân đối giảm giá nhà cho người thu nhập thấp. Bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng công trình, hạ tầng, cộng đồng dân cư nơi có quỹ nhà ở xã hội.

Ngoài ra, cần thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để huy động nguồn vốn cho đầu tư nhà ở xã hội. Điều này tránh áp lực phải cấp vốn từ ngân sách như hiện nay và giao cho Ngân hàng Chính sách Xã hội quản lý, vận hành.

Xây nhà mẫu giáo, trông trẻ cho con em lao động

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, việc làm của người lao động, và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, chính sách tài khóa trong 2 năm qua đã rất linh hoạt, đưa ra nhiều gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều địa phương cũng đưa ra các gói chính sách đặc thù.

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp hỗ trợ về tiền điện, tiền nước. Cùng với đó là tăng quỹ vốn vay giải quyết việc làm để kịp thời tạo điều kiện cho người dân, người lao động và doanh nghiệp vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, sắp tới chương trình phục hồi thị trường lao động bền vững, trọng tâm vào một số vấn đề. Cụ thể là chương trình tăng cường năng lực cho hệ thống y tế cơ sở, tiêm mũi 3 cho công nhân lao động… để đảm bảo cho lao động yên tâm trở lại nơi làm việc. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cho đảm bảo phát triển giao thông giúp lao động di chuyển dễ dàng; tăng cường đầu tư, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng nhấn mạnh cần xây các nhà mẫu giáo trông trẻ cho con em lao động. Ngoài ra, tăng quỹ vốn vay để giải quyết việc làm, giúp cho phát triển kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã; tăng cường giải quyết việc làm cho khu vực phi chính thức.

Cùng với đó là tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực cho các cơ sở dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp để đào tạo lao động chất lượng cao, phục vụ phục hồi kinh tế. Thích ứng chuyển đổi số, và tăng cường đầu tư, xây dựng các cơ sở xã hội để chăm lo cho trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, đối tượng yếu thế ảnh hưởng Covid-19.

Bên cạnh đó, cũng cần có các giải pháp tăng cường kết nối cung cầu lao động theo hướng trực tuyến. Điều này giúp cho người tìm việc, việc tìm người một cách dễ dàng.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: “Cần tiếp tục có các giải pháp chăm lo cho người nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục theo dõi diễn biến đời sống công nhân, lao động và người dân nói chung, bảo đảm đúng chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, không để ai bị thiếu ăn, mặc, thiếu nhà ở, để không ai bị bỏ lại phía sau”.

Tin tiêu điểm

Ông MacNair cắt tỉa cây cảnh tại nhà riêng ở Dubai.

Bậc thầy bonsai ở Dubai

Thế giới
GD&TĐ - Khi lần đầu mua cây cảnh vào những năm 1980, ông Robert MacNair (Scotland), không hề biết rằng nó sẽ là khởi đầu đam mê suốt đời mình.

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Trở về

Truyện ngắn: Trở về

GD&TĐ - Hắn khẽ trở mình, quay sang vuốt ve thân hình đương thì của thị. Hơi thở của hắn dồn trong tiếng gọi, tiếng chó sủa, thêm gấp…