Nhà ở cho công nhân: Chủ đầu tư đừng “bỏ quên” người lao động

GD&TĐ - Nhiều chủ đầu tư cho biết, vấn đề phát triển nhà ở cho công nhân vẫn cần bài toán về cơ chế, chính sách.

Cần quy hoạch nhà ở cho công nhân gắn với quy hoạch khu công nghiệp. Ảnh minh họa
Cần quy hoạch nhà ở cho công nhân gắn với quy hoạch khu công nghiệp. Ảnh minh họa

Còn vướng “điểm nghẽn”

Ông Trần Ngọc Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera cho biết, đơn vị đã xây dựng nhiều nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Thực tế cho thấy, qua những đợt dịch Covid-19, việc công nhân được an cư trong những khu nhà ở đã góp phần giúp hoạt động sản xuất của công ty được duy trì ổn định.

Dù chính sách đã có khá nhiều, nhưng vẫn còn điểm nghẽn, gây khó khăn cho công nhân và cả những công ty tại khu công nghiệp. Đáng chú ý, nhiều khu công nghiệp có đầy đủ và đồng bộ hạ tầng, tạo ra môi trường, cảnh quan rất hiện đại.

Tuy nhiên, qua khảo sát, có đến 80 – 90% công nhân lao động đều ở tạm cư. Tại khu công nghiệp Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) có đến 100 nghìn công nhân, nhưng số lượng lao động vào các khu nhà ở chỉ khoảng 10 nghìn người. Còn lại hơn 90 nghìn công nhân là thuê nhà trọ. Cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều mong muốn thuê, sử dụng nhà ở nhưng không được do còn vướng chính sách.

Bà Vũ Thị Hợp – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thương mại Dạ Hợp cho biết đã triển khai đầu tư an sinh xã hội về nhà ở công nhân từ năm 2011. Tuy nhiên, quá trình phát triển nhà ở tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là pháp lý và quy định pháp luật còn xung đột, chồng chéo với nhau.

Bà Hợp nêu đề xuất: Các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần chú ý đến thói quen sinh hoạt, văn hóa… của người lao động. Đồng thời quan tâm hơn đến vai trò, vị trí của công nhân. Chính phủ nên ưu tiên bố trí nguồn vốn xây dựng nhà ở công nhân cho các ngân hàng thương mại thay cho ngân hàng chính sách thì việc sử dụng vốn sẽ được hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục giao các chỉ tiêu nhà ở công nhân cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Khi xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp mong muốn các dự án không cần qua đấu thầu mà nên chấm điểm để lựa chọn nhà đầu tư.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec nhấn mạnh, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi nhất là về tín dụng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư.

Để xây dựng Luật Nhà ở trong đó có nhà ở xã hội cần tích hợp giữa các Luật: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Thuế, các quy định, Nghị định về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp. Đối với Luật Đất đai, Luật Quy hoạch cần quy định rõ ràng, cơ chế thông thoáng.

“Nhu cầu nhà ở công nhân qua đợt dịch Covid-19 vừa qua là rất lớn và cần thiết. Các khu vực thuê, nhà ở tạm của công nhân qua đợt dịch là nỗi lo của các chủ đầu tư tại các khu công nghiệp. Các chủ đầu tư nhà máy, chủ đầu tư các khu công nghiệp không nỡ để công nhân, người lao động ở như vậy” - ông Điệp nói.

Cũng theo ông Điệp, cần coi người lao động là chủ thể quan trọng, không phải dạng lao động thu nhập thấp. Vì vậy các quy định về luật pháp, về quy hoạch cần phải nói rõ xây dựng nhà ở công nhân phải có tiện ích hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi nhất là về tín dụng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư.

Thực tiễn đòi hỏi nhiều chính sách đặc thù

Theo ông Đào Công Hùng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang, cần thay đổi một số cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân tiếp cận nhà ở xã hội.

Bắc Giang hiện nay mới có 2 dự án nhà ở công nhân do doanh nghiệp xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Có 19 vị trí khu nhà ở xã hội dành cho công nhân đang triển khai xây dựng và thu hút đầu tư lập quy hoạch. Hiện, có 9 dự án đã chấp thuận nhà đầu tư, đang triển khai thi công và đang chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô 57,6 ha, đáp ứng cho khoảng gần 60 nghìn công nhân.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều bất cập như quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân chưa đồng bộ với khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Các chủ đầu tư hiện đang “bỏ quên” người lao động, chỉ tập trung vào nhà ở mang tính chất lợi nhuận. Do đó, để giữ chân người lao động, trong quy hoạch xây dựng nhà ở phải đồng bộ, gắn liền với khu công nghiệp. Ngoài ra, trình tự thủ tục lựa chọn nhà đầu tư còn quá dài. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án cũng khó khăn. Bất cập lớn nhất là việc giao đất thực hiện theo Luật Đất đai còn gây khó khăn cho liên danh nhà thầu, liên danh chủ đầu tư.

Ông Tăng Bá Bay – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương cho rằng, thực tiễn thực hiện đòi hỏi nhiều chính sách đặc thù.

Hiện Hải Dương có 18 khu công nghiệp với diện tích khoảng 3.500 ha. Trong đó có 12 khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, với tỷ lệ lấp đầy khoảng 83%, khoảng 108 nghìn người lao động đang ở tại khu công nghiệp. Do khó khăn về nhà ở nên đời sống của công nhân khó khăn, nghèo nàn, an ninh trật tự không đảm bảo. Do vậy nhu cầu về nhà ở cho công nhân là rất cấp bách.

Hiện nay, khó khăn về nguồn vốn ngân sách, cơ chế chính sách chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Quy hoạch nhà ở cho công nhân chưa gắn với quy hoạch khu công nghiệp. Các khu công nghiệp có gắn với nhà ở công nhân, nhưng khu nhà ở này chưa có chủ đầu tư.

Vì vậy, Sở Xây dựng Hải Dương đề nghị nên xem xét, sửa đổi theo hướng: Khi lập quy hoạch khu công nghiệp, tính toán dự báo số lượng công nhân tại khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở. Từ đó bố trí đủ quỹ đất ở để xây dựng nhà ở cho công nhân. Đảm bảo yêu cầu đồng bộ bao gồm khu nhà ở và các thiết chế văn hóa kèm theo. Ưu tiên xây dựng nhà trọ cho thuê phụ thuộc vào phong tục tập quán, độ tuổi.

Gắn trách nhiệm bắt buộc chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp có trách nhiệm phải đầu tư khu nhà ở công nhân. Đồng thời, xem khu nhà ở cho công nhân tương tự như hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp mà chủ đầu tư thực hiện. Bên cạnh đó, cho phép chủ đầu tư được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với các công tác tư vấn, thi công xây lắp … nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Bài 1: Nhà ở cho công nhân: Chính sách yếu nên… thiếu nhà

(Bài 3: Giải pháp tiếp cận nhà ở xã hội cho công nhân)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ