Nhà ở cho công nhân: Chính sách yếu nên… thiếu nhà

GD&TĐ - Nhà ở cho công nhân đang là vấn đề bức thiết khi chính sách chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư. Điều này được nhìn rõ nhất chính là sau đợt dịch bùng phát mạnh ảnh hưởng lớn đến đời sống của NLĐ.

Vấn đề nhà ở cho công nhân bức thiết hơn sau đợt dịch bùng phát. Ảnh minh họa
Vấn đề nhà ở cho công nhân bức thiết hơn sau đợt dịch bùng phát. Ảnh minh họa

Khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở

Lĩnh vực công nghiệp đóng góp lớn, là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 2/2021, Việt Nam hiện có 370 khu công nghiệp được thành lập. Bao gồm 328 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 34 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 115,2 nghìn ha.

Các khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng. Hệ thống khu công nghiệp của Việt Nam đang là điểm đến của hàng nghìn doanh nghiệp, từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuy nhiên, các khu công nghiệp của nước ta hiện vẫn đang chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất, chứ chưa thực sự quan tâm đến đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội cho người lao động. Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến năm 2020, có 2,7 triệu công nhân trong khu công nghiệp. Trong đó, khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở.

Mặc dù có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân. Điển hình là việc Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội. Nhưng các chính sách này chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư. Vì vậy, vấn đề về nhà ở cho công nhân luôn được xã hội quan tâm.

Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị. Quy mô xây dựng khoảng hơn 142 nghìn căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2 đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020.

Ngoài ra, đang tiếp tục triển khai 278 dự án với quy mô xây dựng khoảng 274 nghìn căn, với tổng diện tích khoảng 13,8 triệu m2. Trong đó, đối với nhà ở xã hội ở dành cho công nhân khu công nghiệp, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54 nghìn căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000 m2. Ngoài ra, đang tiếp tục triển khai 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134 nghìn căn hộ, tổng diện tích 6.700.000 m2.

Cũng theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 294.600 căn. Tổng mức đầu tư khoảng 220 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 100 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 134 nghìn căn hộ. Tổng mức đầu tư khoảng 67 nghìn tỷ đồng.

Thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động

Trong gần 2 năm qua, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã đặt doanh nghiệp vào tình thế khó khăn. Đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam. Từ đó đã xuất hiện làn sóng người lao động về quê do lo sợ dịch bệnh quay trở lại. Điều này gây tác động không nhỏ đến hiệu quả kinh tế nói chung, hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh nói riêng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Hiện, các khu công nghiệp đang thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động như thiếu nhà ở cho công nhân, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, thiếu trường mẫu giáo cho con em công nhân… Điều này dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ ở. Công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn và đông đúc. Khi dịch Covid-19 bùng phát, những khu nhà ở này tiềm ẩn nhiều mối lo do mật độ đông, điều kiện sống và sinh hoạt không bảo đảm…

Bên cạnh đó, có khu công nghiệp đã xây dựng nhà ở cho công nhân thuê nhưng không đạt tỷ lệ lấp đầy, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thực tiễn đang đặt ra những “bài toán” cần giải quyết, tránh trường hợp, nhà xây xong không có người thuê. Trong khi người lao động vẫn không có chốn an cư để gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có chủ trương khuyến khích các chủ đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng xã hội cho người lao động trong khu công nghiệp. Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động là giải pháp hết sức cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các chính sách này chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư, việc thực hiện còn nhiều vướng mắc.

Ông Nguyễn Phi Thường - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội nhận định, dịch bệnh bùng phát đã tấn công trực tiếp vào lực lượng công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp, để lại những hậu quả nặng nề. Theo đó, hàng trăm nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động, hàng triệu lao động mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương.

Theo ông Nguyễn Phi Thường, dù các cấp chính quyền, các tổ chức đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, thực tiễn dịch bệnh đã làm phát lộ thêm hàng loạt vấn đề bức xúc của công nhân, đặc biệt là nhà ở. Số đông lao động di cư từ quê đến thành phố đang ở trong khu nhà trọ ẩm thấp, chật hẹp, san sát nhau. Vì thế, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự rất cao.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đề xuất cần bổ sung chính sách pháp luật về nhà ở xã hội. Trong đó có cơ chế chính sách riêng về xây nhà ở cho công nhân. Đồng thời, ông cho rằng, cần có cơ chế để Công đoàn tham gia xây nhà ở cho công nhân. Các cơ quan cũng cần ban hành quy định tối thiểu phòng trọ công nhân khi xây dựng. Bên cạnh đó là có các gói hỗ trợ người dân xây nhà ở cho công nhân thuê, mua.

__________________________________________

(Bài 2: Nhà ở cho công nhân – chủ đầu tư nói gì?)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.