Để công nhân đến gần hơn với nhà ở xã hội
Ông Đỗ Văn Quảng – Phó Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam cho biết, theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2020, thu nhập của công nhân trong khoảng từ 6,7 – 7,8 triệu đồng/người/tháng tùy theo từng ngành nghề. Với mức thu nhập này, nếu không được hỗ trợ từ gia đình và người thân, người lao động rất khó có đủ tiền để mua nhà ở xã hội.
Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, công nhân chưa tiếp cận được với nhà ở xã hội do một số nguyên nhân. Đó là thu nhập thấp, giá nhà ở xã hội, mặc dù đã khá thấp, nhưng vẫn vượt quá khả năng chi trả của hầu hết công nhân có nhu cầu mua nhà.
Ngoài ra, phần lớn người lao động trẻ chưa xác định gắn bó lâu dài tại một doanh nghiệp, thường nhảy việc, chuyển việc. Thiết kế, công năng, cách thức quản lý tại một số khu nhà ở xã hội chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, thói quen, lối sống… của người lao động.
Ông Quảng đề xuất một số giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận nhà ở cho công nhân. Đó là Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.
Cần có quy định cụ thể và kiểm soát chặt chẽ đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà tại các dự án nhà ở xã hội. Đảm bảo các dự án nhà ở xã hội cho công nhân thì chỉ dành cho đối tượng là công nhân, không để người không đúng đối tượng được mua với mục đích đầu cơ, kiếm lời.
Trước khi triển khai dự án nhà ở, cần tiến hành khảo sát, nắm chắc nhu cầu về nhà ở của công nhân trên địa bàn để có cơ cấu hợp lý giữa căn hộ để bán và cho thuê. Thiết kế căn hộ hợp lý với từng đối tượng khách hàng là hộ gia đình, người độc thân… Có chính sách giá bán, giá cho thuê phù hợp với đối tượng là công nhân, người có thu nhập thấp.
Các dự án nhà ở xã hội cho công nhân cần có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho đối tượng là công nhân như: Nhà trẻ, mẫu giáo, bãi gửi xe, cây rút tiền ATM... Đặc biệt, cần có các cửa hàng tiện ích bán thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu với giá bán tương tương ở các khu nhà trọ, chợ dân sinh, các quán cơm bình dân. Có cách quản lý chuyên nghiệp, thủ tục đơn giản, thuận tiện đối với người thuê nhà. Hỗ trợ xử lý kịp thời những vấn đề về điện, nước, phòng chống cháy nổ...
Chủ đầu tư có thể ký kết các chương trình hợp tác với các doanh nghiệp sử dụng lao động để các doanh nghiệp này có thể thuê toàn bộ hoặc một phần dự án cho người lao động của mình thuê lại với chính sách ưu đãi riêng. Điều này tạo điều kiện và thu hút người lao động chuyển từ các khu nhà trọ đến sinh sống tại các dự án nhà ở xã hội.
Đối với công nhân ngành Xây dựng thi công trên các công trường, cần có quy định cụ thể về chi phí và trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà thầu trong việc đảm bảo nơi ở cho công nhân. Cần có quy định tiêu chuẩn tối thiểu, các trang thiết bị thiết yếu đối với nhà tập thể, nhà tạm cho công nhân trên công trường.
Ưu tiên vai trò của lao động lên hàng đầu
PGS.TS Lưu Đức Cường – Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, để giải quyết bài toán về nhà ở cho công nhân, cần đưa ra một hệ thống giải pháp tổng hợp, đa ngành.
Cụ thể là đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Bổ sung gói tín dụng cho các chủ đầu tư nhà ở xã hội nhà ở công nhân, góp phần đảm bảo “mục tiêu kép”. Đó là bảo đảm an sinh xã hội, nhà ở cho các đối tượng yếu thế, người thu nhập thấp, công nhân. Bên cạnh đó, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và bất động sản.
Trong khi chờ các giải pháp tổng thể, các địa phương rà soát đối với các khu công nghiệp. Nếu chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp thì đề nghị cho điều chỉnh quy hoạch để dành phần diện tích đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân.
Các tỉnh, thành phố khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân. Thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.
Bên cạnh đó, các địa phương cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.
PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, cần đặt vai trò của người lao động lên ưu tiên hàng đầu. Thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng các tỉnh cần thể hiện rõ trong các chương trình hành động.
Ông Ngọc Anh cho rằng, trên thế giới, các nước công nghiệp phát triển đã có những chính sách phát triển theo từng giai đoạn với từng hình thức khác nhau phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Trong đó, thành công nhất là giai đoạn Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc chăm lo cho đời sống công nhân lao động. Chỉ có như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước mới có thể an tâm đầu tư sản xuất kinh doanh.
“Tôi ủng hộ mô hình Nhà nước, các doanh nghiệp công ích, phi lợi nhuận đứng ra đầu tư, xây dựng và quản lý nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Xin nhấn mạnh, vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Chỉ khi Nhà nước và doanh nghiệp nhất quán mới có thể giải quyết được những điểm nghẽn, khó khăn trong phát triển nhà ở công nhân hiện nay. Quan trọng không kém là sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật như đất đai, nhà ở, lao động, quy hoạch… để đảm bảo người lao động được hưởng thành quả. Chúng ta không nên đề cao lợi nhuận, cần phải ưu tiên những giá trị cốt lõi phục vụ cho xã hội, chính là xây dựng nhà ở để lao động an tâm sản xuất” - ông Vũ Ngọc Anh nói.
-----
Bài 1: Nhà ở cho công nhân: Chính sách yếu nên… thiếu nhà
Bài 2: Nhà ở cho công nhân: Chủ đầu tư đừng “bỏ quên” người lao động