Thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại Gia Lai

GD&TĐ - Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại Gia Lai được thành lập trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.

Đoàn công tác của Trường Đại học Sư phạm TPHCM làm việc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. (Ảnh: NTCC)
Đoàn công tác của Trường Đại học Sư phạm TPHCM làm việc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. (Ảnh: NTCC)

Ngày 5/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ký Quyết định số 2418/QĐ-BGDĐT thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại Gia Lai được thành lập trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.

Theo đó, Trường Đại học Sư phạm TPHCM có trách nhiệm báo cáo Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Gia Lai và các bộ, ngành liên quan để tổ chức thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận người học, nhân sự, tài chính, tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị và hồ sơ tài liệu có liên quan của Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai theo quy định của pháp luật; báo cáo Bộ GD&ĐT về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục để cho phép Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại tỉnh Gia Lai triển khai hoạt động đào tạo theo quy định của pháp luật.

Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai ban đầu là Trường Sư phạm cấp II Gia Lai-Kon Tum được thành lập tháng 11/1979 theo Quyết định số 159/UB-TC ngày 2/1/1979 của UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum.

Tháng 3/1990 trường được Hội đồng Bộ trưởng ký Quyết định số 97-HĐBT ngày 27/3/1990 công nhận Trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai-Kon Tum nay là Trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai.

Trụ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai tại TP Pleiku, Gia Lai.

cao dang sp.jpg
Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại Gia Lai được thành lập trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.

Theo thông tin từ Trường Đại học Sư phạm TPHCM, việc thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại tỉnh Gia Lai là thành quả từ sự quan tâm của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh Gia Lai trong thời gian qua.

Từ khi chính thức mang tên Trường Đại học Sư phạm TPHCM vào năm 1976 cho đến nay, trải qua chặng đường gần 50 năm hình thành và phát triển, nhà trường đã tiếp tục khẳng định vị thế của mình khi có thêm một địa chỉ đào tạo tại một địa bàn trọng yếu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và xây dựng Tây Nguyên ngày càng phát triển.

Nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên, Gia Lai là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn thứ hai cả nước và là trung tâm của khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang bước vào giai đoạn toàn cầu hóa, vai trò của giáo dục - đào tạo trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay là thật sự cần thiết.

DOAN CT.jpg
Đoàn công tác của Trường Đại học Sư phạm TPHCM làm việc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. (Ảnh: NTCC)

Việc thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại tỉnh Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai sẽ góp phần duy trì và mở rộng quy mô đào tạo; đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo cũng như nhu cầu bồi dưỡng giáo viên và phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh Gia Lai nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung.

Sự ra đời của Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại tỉnh Gia Lai sẽ là dấu mốc quan trọng của nhà trường trên con đường củng cố vị thế trở thành ngôi trường trọng điểm đào tạo giáo viên trong cả nước và có ý nghĩa rất lớn đến sự phát triển chung của địa phương; mở ra những cơ hội học tập cho các bạn trẻ có đam mê và khát vọng theo đuổi nghề giáo tại địa bàn Gia Lai và các tỉnh lân cận.

Chiến lược của Trường Đại học Sư phạm TPHCM sẽ phát triển đa cơ sở, đa phân hiệu để xứng đáng với vị trí trọng điểm quốc gia, nhất là đào tạo nhân lực có chất lượng cao. Do đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ là nơi nhà trường đã có chiến lược phát triển phân hiệu từ 5 đến 10 năm qua.

Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TPHCM tại tỉnh Gia Lai sẽ thực hiện trách nhiệm đào tạo nhân lực cho tỉnh Gia Lai cũng như một số tỉnh thành Tây Nguyên và lân cận; trong đó cam kết đào tạo ưu tiên tối đa cho các ngành sư phạm để đảm bảo đủ giáo viên cho các tỉnh thành khu vực, nhất là các giáo viên các môn còn thiếu cũng như có nhu cầu từ bối cảnh chung.

Song song đó, việc bồi dưỡng giáo viên - cán bộ quản lý giáo dục và nhân lực khác cũng sẽ được ưu tiên như một nhiệm vụ tối quan trọng.

Tổng quy mô giai đoạn 2024-2026 dự kiến là 650 đến sinh viên cử nhân và khoảng 200 đến 300 sinh viên cao đẳng giáo dục mầm non.

Sau đó số sinh viên, ngành có thể phát triển theo tiến độ và hiệu quả đầu tư cũng như việc định hướng đáp ứng nhu cầu của ngành giáo dục và đào tạo của Tỉnh cũng như các tỉnh thành ở khu vực Tây Nguyên.

Quy mô tuyển sinh sẽ được tính toán để tăng đều 5% đến 10% của mỗi năm cho giai đoạn 2027-2030 và sau đó dựa trên kết quả dự báo nguồn nhân lực của tỉnh và khu vực, nhất là nhân lực trong giáo dục và các ngành có liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mỏ vàng Globe and Phoenix bỏ hoang nhiều năm.

'Thành phố Vàng' bên bờ sụp đổ

GD&TĐ - Hoạt động khai thác vàng trái phép đã và đang để lại hậu quả tàn khốc và đe dọa tính mạng con người tại thành phố Kwekwe (Zimbabwe).