Thanh Hoá xây dựng công viên, tượng đài tưởng niệm 64 giáo viên, học sinh

GD&TĐ - Để tưởng niệm 64 giáo viên và học sinh hy sinh khi bảo vệ đê sông Mã năm 1972, Thanh Hoá đã cho xây công viên mức đầu tư hơn 125 tỷ đồng.

Tấm bia trên đê sông Mã ghi danh 64 giáo viên và học sinh đã hy sinh năm 1972.
Tấm bia trên đê sông Mã ghi danh 64 giáo viên và học sinh đã hy sinh năm 1972.

Ngày 22/2, tin từ UBND tỉnh Thanh Hoá, các nhà thầu đã huy động máy móc san lấp mặt bằng để triển khai dự án công viên tưởng niệm 64 giáo viên, học sinh. Chủ trương đầu tư được HĐND tỉnh Thanh Hóa thông qua tại kỳ họp tháng 4/2019, dự kiến thực hiện từ 2019 đến 2021, song đến nay dự án mới triển khai.

Dự án do UBND TP Thanh Hóa làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích 2,05ha, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2024. Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và UBND thành phố huy động.

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm tôn vinh, tri ân các giáo viên và học sinh đã hy sinh ngày 14/6/1972 trên công trường đắp đê sông Mã, xây dựng di tích trở thành địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau; hình thành điểm du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng thu hút du khách khi đến thành phố Thanh Hóa cùng với cảnh quan sông Mã, núi Hàm Rồng.

Dự án gồm 2 khu vực chính. Khu vực trong đê là Nhà lưu niệm giáo viên và học sinh; nhà quản lý, đón tiếp khách và khu vệ sinh chung; khu tưởng niệm nữ sinh (Hồ sen, sân lễ, đền thờ nữ sinh...); khu tái hiện lịch sử; khu trồng cây lưu niệm; giao thông đối ngoại.

Khu vực ngoài đê là khu tượng đài nữ sinh; bến thuyền lịch sử; miếu thờ, bia ghi dấu địa điểm lịch sử; khu tái hiện không gian làng Nam Ngạn truyền thống.

Gần 50 năm trước, cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt, đặc biệt là những ngày cuối tháng 4/1972, Mỹ điên cuồng ném bom xuống cầu Hàm Rồng và đê sông Mã, hòng phá hoại tuyến đê trọng yếu này.

Trước tình hình đó, Bộ Thủy lợi chỉ định Thanh Hóa phải mở rộng 3 vị trí đê, trọng điểm số một là đê Nam cầu Hàm Rồng.

Thực hiện chủ trương trên, tỉnh Thanh Hóa quyết định điều động bộ phận cơ giới và 5.000 dân công thuộc 3 huyện, thị xã cùng học sinh 5 trường tại địa phương. Vị trí đắp đê là bờ hữu sông Mã cách cầu Hàm Rồng 1km.

Tại đây thời khắc định mệnh đã xảy ra, vào ngày 14/6/1972, khi trên công trường có 2.120 người đang thi công. Đến 9h trên công trường còn khoảng 1.700 người, khoảng 9h10, khi mọi người vẫn đang say sưa làm việc thì máy bay Mỹ bất ngờ xuất hiện ném bom tới tấp, với chiều dài 1 km nhưng có tới 24 quả bom dội xuống biến công trường thành một trận cuồng phong.

Trong trận cuồng phong này, 64 giáo viên, học sinh Trường Y sỹ, Trường Sư phạm 7+3 Thanh Hóa, dân công Đông Sơn đã hy sinh, 96 người bị thương. Phần lớn các chàng trai, cô gái ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.