Trong trường hợp xấu nhất có thể cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng cho thầy và trò.
Cắt tỉa cành cây, bảo đảm hệ thống thoát nước
Trước diễn biến phức tạp của bão số 8, nhiều trường học vùng biển huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã chủ động lên phương án ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng cho thầy cô và học sinh (HS).
Tại Trường THCS Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), ban lãnh đạo trường đã chủ động cho cắt tỉa cành cây, hạn chế tối đa nguy cơ bật gốc gây huy hiểm cho HS. Bên cạnh đó, toàn bộ cửa kính phòng học của trường cũng được kiểm tra và đóng chặt, giảm thiểu tối đa nguy cơ va đập.
Thầy Trương Văn Thuật – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, số lượng HS hiện nay của trường gần 600 em, phân bổ ở bốn khối lớp, với 15 phòng học. Toàn bộ hệ thống phòng học đều kiên cố, đảm bảo an toàn cho việc dạy và học.
“Cùng với cắt tỉa cành cây, nhà trường cũng đảm bảo hệ thống thoát nước trong trường hợp bị ngập úng. Trong trường hợp xấu nhất, nhà trường sẽ cho HS nghỉ học để bảo đảm an toàn”, thầy Thuật nói.
Tương tự, tại Trường THCS Hoằng Thanh (Hoằng Hóa), ban lãnh đạo trường cũng lên các phương án ưng phó với mưa bão, đảm bảo an toàn tính mạng cho người, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học.
Cô Phạm Thị Hoa – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, hiện toàn bộ HS vẫn đến trường. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất sẽ cho các em nghỉ học.
“Ban phòng chống bão lụt của trường túc trực 24/24 giờ để theo dõi tình hình mưa bão. Trong tình huống xấu nhất có thể cho HS nghỉ học. Đồng thời, tiến hành di chuyển toàn bộ trang thiết bị dạy học, máy móc, hồ sơ, sổ sách đến nơi an toàn”, cô Hoa thông tin.
Chủ động ứng phó bão
Ông Đoàn Đăng Khoa – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cho biết: Thực hiện công điện khẩn của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa đã chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn chủ động ứng phó với bão số 7, 8.
“Đối với những trường thuộc các xã vùng ven biển, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các đơn vị chủ động việc dạy và học trong trường hợp bão vào.
Có thể cho HS nghỉ học nếu tình hình nghiêm trọng. Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn về cơ sở vật chất, phòng học, cây cối trong trường”, ông Khoa nói.
Trường hợp mưa lớn gây ngập lụt, theo ông Khoa, trước hết vẫn phải đảm bảo an toàn tính mạng cho thầy và trò, sau đó sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương khắc phục.
Để ứng phó cơn bão số 8, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã ban hành công văn yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT, thủ trưởng các đơn vị cơ quan, trường học chỉ đạo rà soát, sẵn sàng phương án ứng phó với bão, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Huy động lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, công cụ theo phương án “4 tại chỗ”, sẵn sàng phối hợp để ứng phó các tình huống của mưa lũ, bão.
Kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai. Kiên quyết không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản do chủ quan.
Các trường học, cơ sở giáo dục lên phương án bảo đảm tuyệt đối an toàn cho giáo viên, HS. Điều chỉnh kế hoạch dạy học, ngừng các hoạt động ngoại khóa, cho HS nghỉ học khi có nguy cơ xảy ra thiên tai.
Chủ động các biện pháp phòng tránh mưa ngập, bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại về cơ sở vật chất, công trình trường học, tài liệu, sách vở và dụng cụ học tập.
Tổ chức trực ban nghiêm túc; thường xuyên báo cáo tình hình về Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, đồng thời báo cáo về Sở GD&ĐT để kịp thời chỉ đạo và xử lý.