(GD&TĐ) - Ngày 22/3, đoàn công tác kiểm tra phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của Bộ GD- ĐT do Thứ trưởng Trần Quang Quý làm trưởng đoàn đã trực tiếp kiểm tra 4 trường học của tỉnh Thanh Hóa.
Tại Trường MN Đông Anh- huyện Đông Sơn, trường đã đạt chuẩn quốc gia cấp độ I, Thứ trưởng Trần Quang Quý đánh giá rất cao sự cố gắng của nhà trường, đặc biệt sự quan tâm của các cấp chính quyền đã xây dựng cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, thoáng mát. Trường lớp khang trang, đảm bảo an toàn cho trẻ, công trình vệ sinh khép kín, sạch sẽ. Nhà trường đã tạo nên môi trường GD an toàn, bình đẳng, tạo hứng thú cho con trẻ trong giờ học, giờ chơi, chất lượng chăm sóc, nuôi dạy nâng cao...vv.
Thứ trưởng Trần Quang Quý thăm hỏi các em HS |
Khi làm việc tại trường THPT Hàm Rồng- trường trong tốp 100 toàn quốc về tỉ lệ đỗ ĐH, CĐ, đoàn công tác ghi nhận, CSVC, thiết bị dạy học được đầu tư khang trang hiện đại với các phòng chức năng, phòng máy kết nối mạng với 2 đường truyền tốc độ cao. Trường đang được đầu tư xây dựng khu TDTT. Đến năm học này toàn trường trồng được hơn 100 cây xanh, 4 khu vệ sinh xây mới với 28 phòng theo tiêu chuẩn hiện đại. Để rèn luyện kỹ năng sống cho HS nhà trường đã tổ chức các hoạt động giáo dục phong phú như văn nghệ, thể thao...
Tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT, Giám đốc Phạm Thị Hằng đã báo cáo với Thứ trưởng công tác triển khai phong trào của địa phương. Cụ thể, 2165/2165 trường đăng ký tham gia, như vậy cả tỉnh đạt tỉ lệ 100%. Việc phát động thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được triển khai ngay từ đầu năm học và được duy trì thường xuyên, liên tục. Chính vì thế, đã chuyển đổi hành vi và thái độ của thầy và trò trong các nhà trường. Mối quan hệ thầy - trò, GV với phụ huynh trở nên thân thiện hơn, gần gũi hơn.
Có thể thấy phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của nhà trường đã góp phần nâng cao chất lượng GD và cảm thụ văn hóa nghệ thuật của HS. Bản thân GV, HS nhận thức được trách nhiệm trong thực hiện phong trào nên đã tích cực hưởng ứng các hoạt động thi đua, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào trong giảng dạy học tập. Giải quyết vấn đề nhà vệ sinh cho trường học, Thanh Hóa đã đưa tổng số 692 công trình vệ sinh xây mới vào phục vụ, trong đó nhiều nhất là cấp tiểu học 338 công trình.
Đặc biệt, 100% trường của tỉnh đã phối hợp với các ngành, đơn vị và thực hiện tốt việc đảm bảo “3 đủ” cho HS. Hội Khuyến học các trường, địa phương đã trực tiếp tham gia quản lý HS tự học ở nhà như phong trào “tiếng kẻng khuyến học”. Hội khuyến học vận động được 6.641 GV dạy ngoài giờ không thu tiền cho 52.007 HS; Tổ chức và duy trì hoạt động các lớp học tình thương ở các địa phương như Hậu Lộc, Quảng Xương, TP Thanh Hóa, Thọ Xuân, Hà Trung, Đông Sơn,...; Phát hiện sớm những trường hợp học sinh có nguy cơ bỏ học...
Đoàn công tác Bộ GD-ĐT làm việc với lãnh đạo, cán bộ Sở GD-ĐT Thanh Hoá |
HS vi phạm an toàn giao thông và bị TNGT đã giảm nhiều hơn so với năm học trước. Việc sử dụng bản đồ tư duy trong quá trình giảng dạy và học tập ở các trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong năm học 2011- 2012 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các tiết học thực địa, bàn tay nặn bột cũng đã được chú trọng triển khai ở một số môn học. Năm học này Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã triển khai nội dung GD kỷ luật tích cực đến các trường THCS trong tỉnh. Thanh Hoá đưa trò chơi dân gian, tiếng hát dân ca vào trường như: Tuồng, chèo, dân ca Đông Anh, dân ca Thanh Hóa (Hò Sông Mã, múa Xuân Phả, Hội mùa, Hội Xuân) vào các nhà trường trong những năm qua. 1138 trường nhận chăm sóc di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng, nghĩa trang liệt sĩ hoặc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, liệt sỹ.
Sở GD- ĐT Thanh Hoá đề xuất: Bộ GD- ĐT cần có hướng dẫn cụ thể về chương trình về các trò chơi dân gian, lựa chọn các trò chơi dân gian phù hợp theo lứa tuổi, vùng miền; Tăng cường đầu tư CSVC và thiết bị dạy học cho các nhà trường để đảm bảo ngày càng tốt hơn điều kiện dạy - học theo hướng trường chuẩn quốc gia. Mặt khác, Bộ cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo hàng năm để các đơn vị được học hỏi kinh nghiệm thực hiện ở những nơi làm tốt phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; Sau các lớp tập huấn theo chương trình Dự án phát triển THCS II nên có công văn yêu cầu các Sở triển khai nhân rộng tập huấn để có cơ sở kinh phí tổ chức triển khai tại tỉnh...vv.
Kết luận của Thứ trưởng: - Đề nghị tăng cường củng cố Ban chỉ đạo phong trào vì hiện nay Thanh Hóa đang thiếu 2 thành phần quan trọng: Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. - Đề nghị tổng kết, tập hợp các gương nhà giáo tiêu biểu, những cơ sở tổ chức tốt phong trào để nhân rộng điển hình. - Phong trào đã thực hiện được 4 năm, Thanh Hóa cần tổng kết rút kinh nghiệm cái được, cái chưa được để tổ chức làm tốt, đưa vào nền nếp và thường xuyên như phong trào Hai không. - Cần tăng cường GD kỹ năng sống cho HS, tiếp tục quan tâm GD truyền thống văn hóa cho HS trong các nhà trường. |
Việt Hoa