Bất cập thừa, thiếu giáo viên
Những năm gần đây tỉnh Thanh Hóa đã có những giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên trên địa bàn. Tuy nhiên, việc thừa giáo viên cấp THCS, thiếu giáo viên mầm non, tiểu học và THPT vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo báo cáo số 2478 (ngày 2/12/2016) của Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết: Tổng số biên chế Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT tạm giao năm học 2016 - 2017 của tỉnh Thanh Hóa là 48.666. Còn tổng số cán bộ (CB), giáo viên (GV), nhân viên hành chính (NVHC) hiện có là 49.426 người.
Nhu cầu số lượng người làm việc theo quy định của tỉnh Thanh Hóa ở các cấp học năm học 2016 - 2017 là 53.235 người. So với biên chế tạm giao năm học 2016 - 2017 thì nhu cầu biên chế theo quy định của tỉnh Thanh Hóa ở cấp Mầm non còn thiếu 4.123 người, Tiểu học thiếu 1.223, THCS thừa 256 và THPT thiếu 521 người. So với biên chế hiện có thì nhu cầu biên chế theo quy định cấp Mầm non còn thiếu 2.636, Tiểu học thiếu 1.801 người, THCS thừa 958 người và THPT thiếu 331 người.
Nhu cầu thực tế tại các cấp học năm học 2016 - 2017 là 53.664. So với biên chế hiện có thì Mầm non còn thiếu 2.874, Tiểu học thiếu 1.797, THCS thừa 763 và THPT thiếu 339.
Ngày 26/8/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công văn số 9656/UBND-VX về việc sắp xếp, bố trí, điều động cán bộ quản lý, GV, NVHC các trường Mầm non, Tiểu học, THCS; các huyện, thị, thành phố tiến hành sắp xếp, điều chuyển cán bộ quản lý, GV, NVHC trong phạm vi huyện, đến nay đã điều chuyển được 1.371 người. Trong đó, giáo viên THCS thừa được điều chuyển giữa các trường trong huyện, điều chuyển xuống tiểu học, mầm non và Trung tâm học tập cộng đồng.
Nguyên nhân từ vi phạm trong tuyển dụng?
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên không đồng bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong đó, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa giáo viên là việc ký hợp đồng lao động không đúng quy định tại các địa phương trên địa bàn.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, nguyên nhân khách quan của tình trạng nêu trên là do tác động từ việc tăng, giảm dân số cơ học, số lượng học sinh các cấp Mầm non, Tiểu học và THCS giảm mạnh những năm trước đây, do đó thừa GV, đặc biệt là GV THCS. Trong những năm gần đây, số lượng học sinh Mầm non, Tiểu học tăng, tuy nhiên biên chế GV hàng năm không được giao bổ sung hoặc sắp xếp điều chuyển GV từ THCS xuống bậc Tiểu học hoặc Mầm non chưa được nhiều.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường chuẩn quốc gia bậc Tiểu học, học 2 buổi/ngày thì định mức là 1,5 GV/lớp, nhưng hầu hết các huyện chỉ được giao định mức biên chế là 1,2 GV/lớp. Bên cạnh đó, hàng năm, GV nghỉ hưu và chuyển công tác không đồng đều giữa các bộ môn bậc THCS và THPT nên dẫn đến thừa, thiếu về cơ cấu bộ môn.
Nguyên nhân chủ quan là do việc chấp hành, thực hiện các văn bản quy định của Nhà nước và của UBND tỉnh Thanh Hóa của một số huyện, thị xã, thành phố (các huyện) chưa nghiêm túc. Đặc biệt, một số nơi Chủ tịch UBND huyện trước khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đã vi phạm trong việc tuyển dụng và hợp đồng GV không đúng quy định, không báo cáo UBND tỉnh.
Một số địa phương thực hiện bố trí học sinh/lớp chưa đủ định mức theo quy định của UBND tỉnh. Vì vậy việc giao chỉ tiêu biên chế chưa phù hợp với số lớp thực tế của các huyện, dẫn đến tình trang thiếu GV. Nhiều đơn vị báo cáo UBND tỉnh về số lượng học sinh, số lớp và nhu cầu biên chế chưa chính xác, gây khó khăn cho các cơ quan tham mưu.
Bên cạnh đó, theo phân cấp tại quyết định số 685/2007/QĐ-UBND, Sở Nội vụ chưa thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát để tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu biên chế từng năm cho phù hợp với thực tế biến động về số lớp, số học sinh. Chưa phát hiện kịp thời và tham mưu cho UBND tỉnh xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân vi phạm trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức.
Cũng theo phân cấp tại quyết định 685 thì nhiệm vụ và quyền hạn của các phòng chuyên môn do UBND huyện quyết định. Vì vậy, phần lớn các huyện đều giao thẩm quyền cho Phòng Nội vụ là đơn vị chủ trì trong việc tham mưu tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức sự nghiệp giáo dục thuộc khối huyện.
Để xảy ra tình trạng tuyển dụng và hợp đồng sai quy định dẫn đến việc thừa, thiếu giáo viên trong nhiều năm qua, trách nhiệm trước hết thuộc về UBND các huyện theo phân công, phân cấp quản lý tại quyết định 685 của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, Sở Nội vụ chưa sát sao trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện biên chế của các huyện; chưa tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh xử lý các vi phạm trong công tác tuyển dụng, hợp đồng GV của Chủ tịch UBND các huyện. Việc tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục chưa phù hợp với thực tế của các địa phương trong nhiều năm, dẫn tới các cơ sở gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học.
Đối với Sở GD&ĐT qua kiểm tra chuyên môn, đã phát hiện việc thừa, thiếu GV tại các huyện ở các trường Mầm non, Tiểu học, THCS và đã có báo cáo UBND tỉnh trong nhiều năm, nhưng những năm trước đây chưa phối hợp tốt với Sở Nội vụ để tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết kịp thời.
Tìm giải pháp cho “bài toán” thừa, thiếu giáo viên
Trước tình trạng trên, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã đưa những giải pháp để giải quyết dứt điểm bất cập trong thừa, thiếu giáo viên ở các cấp học. Cụ thể: UBND các huyện căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh bố trí, sắp xếp, điều động đội ngũ cán bộ quản lý, GV, NVHC theo đúng quy định trên địa bàn huyện quản lý và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc thực hiện. Báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện và những khó khăn, bất cập vượt thẩm quyền để được xem xét, giải quyết kịp thời.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh xem xét giải quyết bổ sung biên chế GV cho bậc học Mầm non còn thiếu do học sinh tăng, GV Tiểu học cho đủ định mức 1,5 GV/lớp đối với trường chuẩn quốc gia; GV thiếu cho các bộ môn còn thiếu đối với bậc THCS và THPT.Trong trường hợp Trung ương không cho tăng chỉ tiêu biên chế thì cho phép các huyện được hợp đồng GV để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, đặc biệt đối với GV Mầm non, Tiểu học.
Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh lại quyết định số 685 cho phù hợp với thực tế hiện nay. Trong đó, quy định trách nhiệm cụ thể của các đơn vị và các huyện trong việc quản lý, sử dụng viên chức giáo dục; xử lý nghiêm các đơn vị và cá nhân để xảy ra sai phạm trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức. Ngoài ra, các ban của Hội đồng nhân dân cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý công chức, viên chức trên địa bàn nói chung và viên chức sự nghiệp giáo dục nói riêng.