Thanh Hóa: Sẽ dạy tiếng Anh, Tin học theo chuẩn quốc tế cho học sinh phổ thông

GD&TĐ - Nhằm nâng cao năng lực tiếng Anh và Tin học cho học sinh từ bậc Tiểu học đến THPT năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch triển khai dạy học tiếng Anh, Tin học theo chuẩn quốc tế cho học sinh.

Quang cảnh hội nghị sáng 9/10.
Quang cảnh hội nghị sáng 9/10.

Ngày 9/10, Sở GD&ĐT Thanh Hóa phối hợp với Tổ chức IIG Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai dạy và học tiếng Anh, Tin học theo chuẩn quốc tế cho học sinh (HS) phổ thông tỉnh Thanh Hóa năm học 2021 -2022.

Dự hội nghị có PGS.TS Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT; bà Bùi Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; Lãnh đạo các phòng, ban của Sở; các Phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố; Ban Giám hiệu các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Về phía IIG Việt Nam có ông Đoàn Hồng Nam - Chủ tịch IIG Việt Nam và các chuyên gia của tổ chức này.

Thí điểm tại một số trường

Kế hoạch dạy tiếng Anh, Tin học chuẩn quốc tế cho HS phổ thông, trước mắt sẽ thí điểm tại một số trường học, nhằm từng bước chuẩn hóa trình độ tiếng Anh, Tin học theo chuẩn quốc tế cho giáo viên (GV) và HS các cấp tại các nhà trường.

Giúp cho GV trong các trường có cơ hội tiếp cận các chuẩn quốc tế về Tin học cũng như các kiến thức về sử dụng máy tính và mang Internet. Nâng cao chất lượng dạy học cũng như bồi dưỡng kiến thức cho GV có cơ hội trở thành giảng viên các chương trình Tin học quốc tế. HS của Thanh Hóa được tiếp cận các nội dung, chương trình Tin học chất lượng nâng cao theo chuẩn quốc tế.

Đối với tiếng Anh, sẽ giúp cho GV dạy tiếng Anh và HS tiếp cận phương pháp giảng dạy và học tiếng Anh theo định hướng bài thi quốc tế (TOEIC,TOEFL). Phương pháp ứng dụng Chương trình tiếng Anh Toán, tiếng Anh Khoa học và Tiếng Anh trực tuyến English Discoveries (ED) trong giảng dạy tiếng Anh.

Triển khai giảng dạy chương trình tiếng Anh Toán, tiếng Anh Khoa học tại một số trường TH, THCS. Tiếng Anh ED tích hợp với Bộ sách giáo khoa tiếng Anh hệ 10 năm tại một số trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh, tăng cường cơ hội thực hành tiếng Anh dành cho HS cấp THCS và THPT.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại nhiều điểm cầu.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại nhiều điểm cầu.

Giúp HS đạt chuẩn trình độ A2 ở THCS và trình độ B1 ở THPT (theo khung năng lực châu Âu – CEFR). Từ đó, có thể đạt 450 điểm TOEFL ITP hoặc 45 điểm TOEFL iBT để được miễn thi môn tiếng Anh khi xét tốt nghiệp THPT.

Đánh giá trình độ năng lực tiếng Anh của HS cuối cấp bằng bài thi TOEFL quốc tế. Cụ thể, HS lớp 5 bằng bài thi TOEFL Primary; HS lớp 9 bằng bài thi TOEFL Junior và HS lớp 12 bằng bài thi TOEFL ITP.

Chuẩn hoá trình độ tiếng Anh cho GV tiếng Anh của tỉnh bằng bài thi tiếng Anh quốc tế (TOEIC, TOEFL ITP) thông qua các khoá đào tạo nâng cao năng lực tiếng Anh và phương pháp giảng dạy tiếng Anh để đạt trình độ B1, B2, C1 (theo khung năng lực ngoại ngữ Châu Âu – CEFR).

Tạo cơ hội cho giáo viên được giao tiếp, trao đổi, học hỏi phương pháp giảng dạy tiếng Anh, từ đó nâng cao năng lực tiếng Anh và phương pháp giảng dạy tiếng Anh.

Góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường, triển khai có hiệu quả Chương trình tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia và Kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh.

Điểm cầu Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa.
Điểm cầu Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa.

Ôn tập và bồi dưỡng năng lực sử dụng tiếng Anh cho cán bộ ngành giáo dục toàn tỉnh bằng bài thi tiếng Anh quốc tế (TOEIC hoặc TOEFL ITP) để đạt chuẩn trình độ B1, B2 (theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu-CEFR)....

Cơ hội cho học sinh giỏi 

Theo kế hoạch, học sinh học chương trình Tin học quốc tế IC3 Spark thay thế chương trình Tin học tự chọn hiện hành. HS thi chứng chỉ thành phần quốc tế IC3 Spark sau mỗi năm học. Kết thúc tiểu học, HS thi đỗ 3 chứng chỉ thành phần, đạt chứng chỉ IC3 Spark quốc tế.

Đối với các khối lớp (từ lớp 3 đến lớp 5), chương trình môn học, gồm: Máy tính căn bản cho TiH; Các ứng dụng chủ chốt cho TiH và Cuộc sống trực tuyến cho TiH.

Các bài thi và chứng chỉ Tin học, gồm: Chứng chỉ thành phần IC3 Spark - Máy tính căn bản; Chứng chỉ thành phần IC3 Spark-Các ứng dụng chủ chốt; Chứng chỉ thành phần IC3 Spark-Cuộc sống trực tuyến. Mỗi chứng chỉ thành phần sẽ có thời lượng 70 tiết học.

Đối với học sinh THCS, các em sẽ được học chương trình Tin học của Bộ GD&ĐT và Tin học quốc tế IC3.  HS sẽ học chương trình Tin học với số tiết bắt buộc là 35 tiết/năm của Bộ GD&ĐT và 35 tiết Tin học tăng cường quốc tế IC3 GS6, để đảm bảo trang bị đủ kiến thức, kỹ năng thi lấy chứng chỉ quốc tế IC3 vào cuối năm học và cũng có thời lượng học là 70 tiết.

Tại hội nghị, đại diện Trường THPT chuyên Lam Sơn đưa ra những câu hỏi cho IIG Việt Nam giải đáp.
Tại hội nghị, đại diện Trường THPT chuyên Lam Sơn đưa ra những câu hỏi cho IIG Việt Nam giải đáp.

Còn học sinh THPT sẽ học theo tinh thần công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn chương trình giáo dục phổ thông từ năm học 2017 – 2018.

Theo đó, HS lớp 10 sẽ học chương trình MOS Word + chương trình Tin học Bộ GD&ĐT, với  74 tiết/năm học, để đạt chứng chỉ MOS Word.

HS lớp 11 sẽ học chương trình MOS PowerPoint + chương trình Tin học Bộ GD&ĐT, với 54tiết/năm học, để đạt chứng chỉ MOS PowerPoint MOS Excel trong thời lượng chương trình học nghề 105 tiết học nghề, để đạt chứng chỉ MOS Excel.

Phương án đào tạo theo hình thức trực tiếp trên lớp hoặc đào tạo trực tiếp kết hợp với tài khoản học trực tuyến, bắt đầu từ năm học 2021-2022.

Chương trình tích hợp dành cho mỗi khối lớp kéo dài 37 tuần học ở mỗi năm học, có độ tương thích cao với thời lượng chương trình chính khóa được Bộ GDĐT quy định.

Ngoài 3 tiết học/1tuần theo Chương trình tiếng Anh 10 năm, HS được tự do học tập trực tuyến với nội dung ED tích hợp trong khoảng 4 giờ.

Lượng kiến thức và kỹ năng thu nạp được qua chương trình học trực tuyến được giải đáp, ôn tập và kiểm tra thông qua một bài kiểm tra ngắn (khoảng 15 phút) trong 1 tiết học bổ sung.

Việc tích hợp hình thức học tập dưới sự hỗ trợ của công nghệ (sử dụng chương trình ED) và hình thức học tập truyền thống (hình thức học trực tiếp trên lớp học) tạo điều kiện để học sinh tiếp xúc dễ dàng với các bài thi chuẩn quốc tế.

Ông Đoàn Hồng Nam - Chủ tịch IIG Việt Nam giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của các nhà trường và phòng GD&ĐT ở tỉnh Thanh Hóa.
Ông Đoàn Hồng Nam - Chủ tịch IIG Việt Nam giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của các nhà trường và phòng GD&ĐT ở tỉnh Thanh Hóa.

Chương trình ED cung cấp các tính năng hỗ trợ học tập giúp phát triển đồng đều các kỹ năng và kiến thức ngôn ngữ theo định hướng giao tiếp.

HS được rèn luyện kỹ năng đọc thông qua các công cụ hỗ trợ, như: nghe một phần (hear part) cho phép nghe đọc một câu hoàn chỉnh, hoặc nghe toàn bộ (hear all) cho phép nghe đọc một đoạn hoàn chỉnh.

Kỹ năng nghe và phần ôn tập từ vựng, cho phép ghi âm giọng nói (record yourself) ở các cấp độ từ và câu. HS có thể ghi âm, nhận phản hồi và nghe lại nhiều lần.

HS cũng có thể tham khảo sổ tay ngữ pháp (Grammar book) trong quá trình sản sinh ngôn ngữ dưới dạng văn bản để học kỹ năng viết.  

Đối với kỹ năng nói, tính năng hội thoại tự động (branching dialogue) đòi hỏi học sinh phát âm chuẩn và tương tác với câu hỏi hoặc nhận xét của máy tính.

Các tính năng hỗ trợ kể trên cùng với phản hồi kết quả nhanh, học sinh có thể tự do thực hành và tương tác với ngữ liệu học trên hệ thống ED với tần suất không giới hạn....

Đề nghị phối hợp hiệu quả nhất

Sau khi nghe ý kiến của các Phòng GD&ĐT và ban giám hiệu một số trường về những băn khoăn liên quan đến việc triển khai chương trình, như: Thời lượng học, học phí, lệ phí làm bài thi....

Ông Đoàn Hồng Nam - Chủ tịch IIG Việt Nam và chuyên gia của Tổ chức này cũng đã giải đáp những băn khoăn, thắc mắc từ các nhà trường, phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố, để chương trình được triển khai thuận lợi, hiệu quả và chất lượng nhất.

PGS.TS.Trần Văn Thức- Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa trao đổi ý kiến tại hội nghị.
PGS.TS.Trần Văn Thức- Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa trao đổi ý kiến tại hội nghị.

Theo PGS.TS. Trần Văn Thức- Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, kế hoạch triển khai chương trình dạy và học tiếng Anh, Tin học theo chuẩn quốc tế cho học sinh phổ thông là rất quan trọng và cần thiết. Bởi, thực tế hiện nay trình độ tiếng Anh, Tin học của HS Thanh Hóa đang rất hạn chế.

Do đó, ông Thức đề nghị các Phòng GD&ĐT, các nhà trường cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nâng cao trình độ tiếng Anh, Tin học cho HS, để đáp ứng được nhu cầu phát triển chung của giáo dục cả nước.

Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đề nghị IIG Việt Nam nghiên cứu kỹ càng về điều kiện, đặc thù của Thanh Hóa để triển khai Chương trình hiệu quả.

“Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến kinh tế xã hội bị ảnh hưởng. Do đó, cần chia sẻ khó khăn với xã hội, với phụ huynh, học sinh....để triển khai chương trình có trọng tâm, lộ trình.

Cần nghiên cứu, xây dựng phương án, chính sách hỗ trợ cho các vùng sâu, xa, khó khăn...chi phí học tập ở mức thấp nhất so với các nơi khác. Khi tổ chức Chương trình, cần có cơ chế cho học sinh khi đạt chứng chỉ, thì khi vào cấp 2, cấp 3 được ưu tiên cộng điểm cho học sinh”, ông Thức đề nghị.

Ông Đoàn Hồng Nam - Chủ tịch IIG Việt Nam cũng hứa với Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT, các nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để triển khai Chương trình dạy và học tiếng Anh, Tin học theo chuẩn quốc tế cho học sinh phổ thông tỉnh Thanh Hóa đạt chất lượng và hiệu quả nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ