Thanh Hóa: Hội thảo khoa học về cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn

GD&TĐ -  Sáng nay (29/9/2018), UBND huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học: “Lang Chánh với cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn và việc bảo tồn, phát huy Di sản lịch sử - văn hóa”. 

Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Cùng dự hội thảo này, có đại diện của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Hội Di sản Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo huyện Lang Chánh.

Lang Chánh là vùng đất cổ, có quá trình giao thoa, tiếp biến và hội nhập về văn hóa lâu đời giữa các tộc người, như người Thái, người Mường và người Kinh. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc, đặc biệt trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427), nhân dân huyện Lang Chánh đã đóng góp sức người, sức của cho cuộc khởi nghĩa.

Vùng núi Pù Rinh ở Lang Chánh trở thành căn cứ địa quan trọng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn với 3 lần nghĩa quân rút lên ngọn núi này vào các năm: 1418, 1419, 1422 để bảo toàn và củng cố lực lượng.

Hội thảo khoa học Lang Chánh với khởi nghĩa Lam Sơn đã thu hút hàng trăm đại biểu đến tham dự.

Hội thảo khoa học Lang Chánh với khởi nghĩa Lam Sơn đã thu hút hàng trăm đại biểu đến tham dự.

Ngày nay, nhiều ngọn núi, dòng sông, con suối, bản làng của Lang Chánh vẫn còn in đậm dấu chân nghĩa quân Lam Sơn trong; nhiều địa danh do Lê Lợi đặt tên, nhiều sự tích, truyền thuyết dân gian vẫn còn lưu giữ và đã được xếp hạng di tích- danh thắng cấp tỉnh đó là: Thác Ma Hao, Chùa Mèo và Thác Huối Láu.

Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận nhằm làm sáng tỏ thêm những tư liệu, sự kiện lịch sử và những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Lang Chánh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Bênh cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng; Lang Chánh là một vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa đa tộc người, lưu giữ trong lòng một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú và độc đáo. Tuy nhiên, việc bảo tồn, khai thác các di tích, lễ hội, danh lam thắng cảnh và các loại hình văn hóa dân gian trong việc phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, cần được khắc phục và phát huy.

Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích gắn khởi nghĩa Lam Sơn và phát triển du lịch cộng đồng ở Lang Chánh, rất cần sự nghiên cứu chuyên sâu và chuyên nghiệp, có chương trình điều tra tổng thể, toàn diện và đưa hệ thống di tích này vào công tác bảo vệ thường xuyên để di tích tồn tại trong cộng đồng dân cư một cách bền vững gắn với phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, huyện cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về các giá trị lịch sử - văn hóa của các di sản về khởi nghĩa Lam Sơn, nhằm bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, sự biết ơn đối với các anh hùng dân tộc, lòng tự hào về truyền thống yêu nước, bất khuất của địa phương…

Hội thảo khoa học “Lang Chánh với khởi nghĩa Lam Sơn và việc phát huy, bảo tồn di sản lịch sử - văn hóa” cũng đã làm sáng tỏ thêm những tư liệu, sự kiện lịch sử về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và những đóng góp của nhân dân huyện Lang Chánh cho cuộc khởi nghĩa.

Nhiều ý kiến của đại biểu tại hội thảo này cho rằng, huyện Lang Chánh cần tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích, danh thắng gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nhằm khơi dậy lòng tự hào về truyền thống yêu nước, tình yêu quê hương, đất nước, sự biết hậu thế với các anh hùng dân tộc. Bên cạnh đó, huyện cần gắn việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, danh thắng gắn với phát triển du lịch để phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ