Thanh Hóa: Hàng nghìn hộ dân bị cô lập do mưa lũ

GD&TĐ - Hàng nghìn hộ dân ở xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đang bị cô lập do nước sông Cầu Chày lên mức báo động 2.

Nước sông Cầu Chày dâng cao, khiến hàng chục hộ dân ở xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) bị ngập sâu.
Nước sông Cầu Chày dâng cao, khiến hàng chục hộ dân ở xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) bị ngập sâu.

Theo ghi nhận của phóng viên GD&TĐ, vào đầu giờ chiều nay (31/8), nước sông Cầu Chày, đoạn qua huyện Thọ Xuân đang dâng cao ở mức báo động II, khiến hàng trăm héc ta hoa màu, cây ăn quả và diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân nằm phía ngoại đê bị ngập chìm trong nước.

Ông Lê Bá Lộc – Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, cho biết: Hiện nay, nước sông Cầu Chày rút rất chậm. Do đó, con đường nối từ Trung tâm huyện Thọ Xuân qua xã Xuân Tín để về xã Quảng Phú đang bị chia cắt. Trung tâm xã Quảng Phú cũng bị chia cắt với 5 thôn trong xã. Toàn bộ khoảng gần  2.000 hộ dân với gần 7.000 nhân khẩu của xã Quảng Phú cũng đang bị cô lập do nước lũ dâng cao.

Một gia đình người dân ở xã Quảng Phú bị nước ngập vào.
Một gia đình người dân ở xã Quảng Phú bị nước ngập vào. 

“Hiện tại, việc tiếp cận xã Quảng Phú đang gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng ngập lụt. Nước sông Cầu Chày dâng cao cũng đã khiến 22 hộ, gần 80 nhân khẩu ở vùng trũng thấp và toàn bộ diện tích bãi sông của xã Quảng Phú bị ngập lụt. Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã phải dựng rào chắn ngăn không cho người và phương tiện qua lại đoạn đường bị ngập lụt này”, ông Lộc cho biết.

Trong khi đó, trên địa bàn huyện Thọ Xuân mưa lớn vẫn đang tiếp diễn khiến nguy cơ nước sông ngày một dâng cao. Vì vậy, ngày 31/8, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân đã phải ban hành công điện số 13 về việc ứng phó với tình hình mưa lũ kéo dài và mực nước sông Cầu Chày lên nhanh dự báo đang tiếp tục dâng. 

Nước sông Cầu Chày dâng cao đã khiến nhiều nhà dân ở xã Quảng Phú bị ảnh hưởng.
Nước sông Cầu Chày dâng cao đã khiến nhiều nhà dân ở xã Quảng Phú bị ảnh hưởng. 

Theo báo cáo nhanh từ UBND huyện Thọ Xuân, tính đến 15h, ngày 31/8, mưa lớn đã khiến 2.473ha diện tích cây trồng, nuôi trồng thuỷ sản của huyện này bị đổ ngã, ngập úng. Trong đó, diện tích lúa đỗ rạp lớn, gồm: Xã Xuân Lập 285ha; Xuân Lai 170ha; Xuân Minh 175ha; Xuân Trường 90ha...và 133 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn...

Bên cạnh đó, mưa lũ cũng đã khiến 11 ngôi nhà cấp 4 của người dân bị tốc mái, 33 cột điện bị gãy, đổ; bãi bồi ở thôn Minh Hải xã Thọ Hải đã bị sạt lở (kích thước dài khoảng 80 m, rộng 6m, sâu 7m); sạt lở 45m đê con trạch (đê hữu sông Chu đoạn dốc Hương, xã Thọ Hải). Các tuyến đường đi thôn Đồng Cổ xã Xuân Thiên, từ Xuân Tín đi Quảng Phú bị ngập từ 30 – 60cm…

Lúa và hoa màu bị chìm, nhà của người dân cũng bị nước ngập vào.
Lúa và hoa màu bị chìm, nhà của người dân cũng bị nước ngập vào. 

Hiện nay, huyện Thọ Xuân đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, đặc biệt là mực nước tại các sông để có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Đồng thời, yêu cầu các xã có điểm bị sạt lở, đường bị ngập phải cắm biển cảnh báo, thường xuyên tuần tra canh gác để nắm tình hình và có biện pháp xử lý kịp thời.

Cũng trong ngày 31/8, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện số 14, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa về việc phát lệnh báo động II trên sông Cầu Chày.

Nhiều diện tích mía và cây trồng của xã Quảng Phú (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã bị chìm trong biển nước.
Nhiều diện tích mía và cây trồng của xã Quảng Phú (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã bị chìm trong biển nước. 

Theo đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện nêu trên triển khai ngay việc tuần tra, canh gác đê, hộ đê theo các cấp báo động; rà soát, kiểm tra và có phương án xử lý bảo đảm an toàn cho các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn. Đồng thời, thông báo cho nhân dân sống vùng ngoài đê biết để chủ động sơ tán khi mực nước lên cao; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.