Thanh Hóa: Giáo viên nhận định đề Địa lý có nhiều câu hỏi hay

GD&TĐ - Sau khi kết thúc buổi thi các môn tổ hợp Tự nhiên và Khoa học xã hội, nhiều giáo viên ở Thanh Hóa có nhận xét về đề thi môn Địa lý. Các thầy, cô giáo cho rằng, đề thi môn Địa lý có nhiều câu hỏi hay, phù hợp với trình độ học sinh có học lực trung bình trở lên.

Thí sinh ở Thanh Hóa ra khỏi phòng thi sau buổi thi các môn Tổ hợp.
Thí sinh ở Thanh Hóa ra khỏi phòng thi sau buổi thi các môn Tổ hợp.

Những câu hỏi về Atlát khá cụ thể

Sáng nay (8/7), sau khi thí sinh hoàn thành bài thi môn Địa lý của Tổ hợp Khoa học xã hội, nhiều giáo viên dạy bộ môn này trong các trường THPT ở Thanh Hóa nhận xét, đánh giá là: Đề thi môn Địa lý có nhiều câu hỏi hay, có sự phân hóa cao đối với học lực của học sinh trung bình, khá, giỏi rất rõ ràng.

Thầy Đỗ Văn Quang – GV dạy Địa lý, Trường THPT Thọ Xuân 5 (Thanh Hóa).

Thầy Đỗ Văn Quang – GV dạy Địa lý, Trường THPT Thọ Xuân 5 (Thanh Hóa).

Là giáo viên dạy môn Địa lý nhiều năm ở Trường THPT Thọ Xuân 5 (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), thầy giáo Đỗ Văn Quang nhận xét: Đề in ấn rõ ràng, ngôn từ, câu lệnh ở đề hay. Các câu hỏi về Atlát cụ thể từng trang, nên học sinh dễ tìm. Hầu hết câu hỏi nhận biết và thông hiểu nên học sinh có thể làm tốt. Các câu hỏi về kỹ năng khá hay, có câu phải tính toán mới làm được.

Các câu hỏi về lý thuyết có sự phân hóa sâu sắc, đặc biệt là câu hỏi về vùng kinh tế hay và khó. Các đáp án gần giống nhau, đòi hỏi học sinh đọc kỹ mới làm được. "Tôi nhận định, với đề môn Địa lý năm nay, nhiều học sinh có thể đạt trên 9 điểm", thầy Đỗ Văn Quang nói.

Thầy Hoàng Văn Nhu, giáo viên dạy môn Địa lý, Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa), cho rằng, đề thi chính thức môn Địa lý có độ phân hóa cao và phân theo các cấp độ nhận thức. Đề bám sát chương trình sách giáo khoa, nhiều câu rất dễ làm, kiến thức sát với thực tế. Học sinh có học lực trung bình vẫn làm được 6 điểm.

“Tuy nhiên, có 6 câu (1,5 điểm), là các câu hỏi vận dụng cao, phân hóa rõ ràng để lấy điểm xét đại học. Những câu hỏi khó, đòi hỏi học sinh phải thực hiện nhiều thao tác tư duy, mới làm được”, thầy Nhu nói.

Thầy Hoàng Văn Nhu (áo trắng), giáo viên dạy Địa lý, Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).

Thầy Hoàng Văn Nhu (áo trắng), giáo viên dạy Địa lý, Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).

Cũng theo thầy Nhu, từ thực tế của đề thi môn Địa lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thầy Nhu đưa ra lời khuyên, như sau: “Để chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi tốt nghiệp năm 2023, giáo viên dạy ở trường THPT vùng cao cần phải: Phân loại học sinh theo từng loại: trung bình, khá để có cách thức dạy học. Tham khảo cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT

Rèn luyện thêm cho học sinh các câu hỏi thực hành. Hướng dẫn học sinh sử dụng tốt Atlát Địa lý Việt Nam. Vì câu hỏi sử dụng Atlát Địa lý Việt Nam có 15 câu (chiếm 3,75 điểm). Phấn đấu điểm thi tốt nghiệp trung bình bằng, hoặc cao hơn năm 2022”.

Đề Địa lý không “đánh đố” học sinh

Cô Quách Thị Trang, giáo viên dạy Địa lý, Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa).

Cô Quách Thị Trang, giáo viên dạy Địa lý, Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa).

Cô cho rằng: Đề thi THPT Quốc gia năm 2022 có nội dung phần lí thuyết nằm trong chương trình Địa lí lớp 12, phần Địa lí lớp 11 chỉ có 2 câu thuộc phần kĩ năng địa lý (biểu đồ và bảng số liệu).

Cũng theo cô Trang, đề thi môn địa lý năm nay đã bám sát đề minh họa mà Bộ GD&ĐT từng công bố trước đó. Những câu hỏi trong các mã đề được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó, tạo được tâm lý thoải mái, tự tin cho học sinh khi làm bài.

“Các câu hỏi có tính phân hóa cao. Học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt 7 điểm trở lên. Những học sinh chỉ xét tốt nghiệp, cũng có thể dễ dàng đạt 6 điểm với các câu hỏi từ câu 41 đến câu 70.

Còn để được điểm cao, học sinh phải làm tốt các câu từ câu 71 đến câu 80 và đòi hỏi học sinh có tư duy tốt, biết vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề, tư duy phản biện cao, kiến thức xã hội rộng. Nhìn chung, đề thi hay, có tính phân hóa cao, không quá khó với học sinh, không có các câu hỏi mang tính “đánh đố” học sinh”, cô Trang thông tin.

Báo cáo nhanh Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Thanh Hoá, cho thấy: Buổi thi thứ 3 (các bài thi tổ hợp, sáng 8/7).

Bài thi Khoa học tự nhiên ở 74 Điểm thi, có 9.467 thí sinh đăng ký dự thi, tại 431 phòng thi. Số lượt thí sinh dự thi là 27.747 lượt; tỷ lệ lượt thí sinh dự thi đạt 99.42%. Có 161 lượt thí sinh vắng thi.

Bài thi Khoa học xã hội ở 74, có 27.865 thí sinh đăng ký dự thi tại 1.194 phòng thi. Số lượt thí sinh dự thi là 78.472 lượt (đạt tỷ lệ 99.41%). Có 469 lượt thí sinh vắng thi.

Trong buổi sáng nay, không có thí sinh vi phạm quy chế thi. Hội đồng thi Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng đã bố trí 1 phòng thi riêng cho 1 thí sinh dự thi do mắc dịch Covid-19 tại Điểm thi THPT Hậu Lộc 1. Buổi thi sáng nay tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Thanh Hóa không có bất thường xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ