Thanh Hóa: Cái khó trong xây dựng trường chuẩn quốc gia

GD&TĐ - Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao toàn diện chất lượng GD&ĐT Thanh Hóa. Tuy nhiên, việc thực hiện đồng đều ở các vùng miền vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Giờ học của thầy, trò Trường THCS Lũng Cao (xã Lũng Cao, huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Giờ học của thầy, trò Trường THCS Lũng Cao (xã Lũng Cao, huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, năm học 2014-2015 toàn tỉnh có tổng 1.071 trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, mầm non có 282 trường, tiểu học có 526 trường, THCS có 258 rường và THPT có 16 trường, đạt 50,13%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 3,13%.

Tuy nhiên, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa điều kiện kinh tế khó khăn. 

Những khu vực này có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp như: huyện miền núi Quan Sơn có 25,4% trường đạt chuẩn, huyện Quan Hóa là 20,4%, huyện Mường Lát có 13,3% trường đạt chuẩn… Trong khi các huyện đồng bằng, miền xuôi, công tác xây dựng trường chuẩn đạt kết quả tốt hơn, như: huyện Hà Trung có 77,1% trường đạt chuẩn, huyện Hoằng Hóa có 69,9%...

Ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện miền núi Bá Thước - chia sẻ: Toàn huyện có 23 trường mầm non, 11 trường tiểu học, 3 trường THCS và 1 THPT đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 27,4%. 

Do điều kiện kinh tế nhiều địa phương còn khó khăn nên việc đầu tư cho xây dựng trường chuẩn còn chậm. Khó khăn lớn nhất trong xây dựng trường chuẩn là kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường. Các trường học chủ yếu thiếu phòng chức năng, nhà xe cho học sinh. Theo ước tính, để xây dựng một trường chuẩn quốc gia đối với mầm non sẽ phải đầu tư khoảng 1 tỷ, tiểu học khoảng 2 tỷ, THCS khoảng 4 tỷ. 

Trong khi đó, nguồn kinh phí của nhà trường và địa phương ít, kinh phí chi thường xuyên của huyện cũng hạn hẹp. Vì vậy, dù mong muốn xây dựng các trường học trên địa bàn thành trường chuẩn quốc gia để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện nhưng mỗi năm huyện cũng chỉ đầu tư cho vài trường xây dựng đạt chuẩn quốc gia.

NGƯT Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa - cho biết: Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cần có sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. 

Tuy nhiên, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn. Năm học 2014-2015, số trường đạt chuẩn quốc gia của Thanh Hóa đã vượt chỉ tiêu đề ra. 

Thế nhưng, số trường chuẩn quốc gia bậc THPT vẫn còn thấp (16/107 trường). Nguyên nhân là do ở bậc THPT tiêu chí xây dựng trường chuẩn cao hơn; trong khi đó, đầu tư cơ sở vật chất phụ thuộc vào nguồn ngân sách tỉnh. 

Hiện nay, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đang xây dựng đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia THPT để trình UBND tỉnh. Theo đó, đến năm 2020, Thanh Hóa sẽ có thêm 27 trường THPT đạt chuẩn quốc gia, đạt 45%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ