Thanh Hoá: Ám ảnh những cái chết dồn dập vì ung thư ở huyện Triệu Sơn

GD&TĐ - Năm nào cũng có nhiều người phát bệnh ung thư, chết vì ung thư, hơn 10 năm qua người dân kêu cứu về sự bất thường ấy nhưng chính quyền không thấu?!

Toàn cảnh Nhà máy Gạch tuynel Sơn Trung Hiếu, trang trại lợn quy mô lớn của Công ty Cổ phần Lợn giống Dân Quyền và Cơ sở phân loại và tái chế bao bì nhìn từ trên cao.
Toàn cảnh Nhà máy Gạch tuynel Sơn Trung Hiếu, trang trại lợn quy mô lớn của Công ty Cổ phần Lợn giống Dân Quyền và Cơ sở phân loại và tái chế bao bì nhìn từ trên cao.

Nơm nớp lo “án tử” gọi tên

Ba năm trước, chồng chị Nguyễn Thị Hưng (thôn 1, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá) nhận “án tử” khi nghe bác sĩ kết luận bị ung thư phổi. Vẫn biết nhiều người trong làng ra đi vì ung thư, nhưng khi tử thần gọi đến tên chồng mình, chị Hưng vẫn không khỏi bàng hoàng. Ba năm chồng chị chống chọi với bệnh tật, với những phim siêu âm, bệnh án chất đống và hàng chục loại thuốc không nhớ tên, chỉ phân biệt bằng màu sắc.

Người đàn ông trước khi chết vẫn luôn dặn vợ phải lên tiếng, phải cùng người dân góp tiếng nói trong các cuộc họp thôn. Anh tin rằng, thế nào cũng có ngày cơ quan chức năng phải vào cuộc. Thế nhưng, chồng chị Hưng đã không chờ được đến ngày “cơ quan chức năng vào cuộc”. Cách đây gần 4 tháng, anh mất khi mới 45, để lại cho vợ 3 người con nhỏ.

Nói về tình trạng người dân mắc bệnh ung thư và chết vì ung thư những năm qua, ông Lê Bá Tuyến, Trưởng thôn 1 không khỏi xót xa. Ông nói nhiều người chết vì ung thư quá nên phải lấy sổ ghi chép ra mới cung cấp đầy đủ cho phóng viên được.

xa-dan-quyen-thieu-son-thanh-hoa-am-anh-nhung-cai-chet-don-dap-vi-ung-thu-2.jpg
Ông Lê Bá Tuyến, Trưởng thôn 1, xã Dân Quyền lần giở sổ ghi chép chi trả tiền mai táng phí cho những người tử vong trong thôn.

Lần giở quyển sổ ghi chép chi trả tiền mai táng phí, ông Tuyến ngậm ngùi: “Người dân chết vì ung thư nhiều quá. Năm nào thôn cũng có người chết vì ung thư, không chỉ thôn 1 mà cả thôn 2, 3, 4, là mắc ung thư gan, phổi, đại tràng, vòm họng, tuyến giáp… Độ tuổi rơi vào ngoài 40 đến ngoài 60, cứ có dấu hiệu bệnh, đi khám là ra ung thư. Những người mới chết vài năm trở lại đây như: N.V.D.; N.V.N.; L.T.C.; N.T.N.; T.V.T…”.

Ông Tuyến ngồi nhẩm tính những người đang “dính án” ung thư trong thôn như: Ông Đ.V.H.; N.V.H., N.V.N., N.T.H.Đ., N.V.T.. “Mỗi năm thôn 1 trung bình có 7 - 8 người chết thì có tới 3 - 4 người chết bị ung thư. Lúc nào cũng thấy trong làng có người đi xạ trị. Đi đến đâu cũng có thể nghe họ thao thao bất tuyệt về nhà này có người bị ung thư gan, người kia bị ung thư phổi”, ông Tuyến chia sẻ.

“Đêm đến không thở được, mùi từ trại lợn, mùi từ khói đốt ở nhà máy sản xuất bao bì. Khét lắm, dân đóng cửa kín mít vẫn không cản được mùi. Ung thư nhiều như thế thì chỉ có ô nhiễm chứ gì nữa. Nhưng ô nhiễm bắt nguồn từ đâu thì người dân mong cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ”, Trưởng thôn Lê Bá Tuyến nói.

Trưởng thôn 4 Vũ Đình Hồng cũng ngậm ngùi khi cho biết vợ ông đang điều trị ung thư tuyến giáp. Ông Hồng lần đốt ngón tay kể về những người chết trong con ngõ nơi ông ở, chưa đầy 500m mà có tới 5 người chết vì ung thư. Bản thân ông cũng không giấu nổi âu lo một ngày “án tử” gọi tên mình. Ông bảo cứ nghe người trong thôn bị ung thư là về nhà không nuốt nổi cơm.

Vì chưa có kết luận chính thức nào về nguyên nhân, người dân bắt đầu nhìn vào môi trường sống hàng ngày. Cách nơi người dân ở bán kính khoảng hơn 1km, tại xã Dân Quyền, hàng chục năm qua tồn tại Nhà máy Gạch tuynel Sơn Trung Hiếu; Trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Cổ phần Lợn giống Dân Quyền và Công ty Sản xuất bao bì (nằm ở địa bàn xã Dân Lực).

“Người dân chúng tôi bị tra tấn bởi mùi khét đốt từ Công ty Sản xuất bao bì, mùi trang trại lợn và cột khí bốc lên đen ngòm của nhà máy gạch. Thế hệ chúng tôi già rồi, chết cũng được nhưng cứ tình trạng này thì đời con, đời cháu chúng tôi cứ hít nguồn không khí này rồi bệnh tật cũng không buông tha”, bà Nguyễn Thị Nga (60 tuổi, thôn 1) bức xúc.

Dân 10 năm “kêu cứu”, chính quyền đủng đỉnh, thờ ơ!

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng huyện Triệu Sơn, trong năm 2023, toàn xã Dân Quyền có 11 người chết vì ung thư; 9 tháng năm 2024 có 12 người chết vì ung thư. Hầu hết đều mang bệnh ung thư gan, phổi, vòm họng… Đáng nói, có những người mà trưởng thôn cho biết chết vì ung thư, nhưng trong báo cáo của Trạm Y tế xã Dân Quyền gửi về Trung tâm Y tế dự phòng huyện không có tên người này.

Bà Vũ Thị Hà, Trạm trưởng Trạm Y tế Dân Quyền tỏ ra né tránh khi làm việc với phóng viên về số liệu người chết vì ung thư trên địa bàn xã trong những năm qua.

"Sổ ghi chép số liệu người tử vong, và tử vong do nguyên nhân gì thì bên ủy ban xã họ đang mượn về. Trên máy móc hiện không có lưu các báo cáo nên tôi không có số liệu để cung cấp”, bà Hà nói.

xa-dan-quyen-thieu-son-thanh-hoa-am-anh-nhung-cai-chet-don-dap-vi-ung-thu-1.jpg
Chị Nguyễn Thị Hưng ngậm ngùi khi kể về cái chết của chồng.

Điều kỳ lạ là những cái chết dồn dập vì ung thư khiến người dân hơn 10 năm qua ý kiến lên chính quyền xã qua các cuộc tiếp xúc cử tri, thế nhưng trả lời PV, ông Lê Cảnh Tiến, Chủ tịch UBND xã Dân Quyền cho biết, chưa có báo cáo chính thức nào bằng văn bản lên huyện liên quan đến vụ việc mà chỉ báo cáo qua điện thoại. Chính quyền xã Dân Quyền cũng chưa có bất kỳ khảo sát nào về số người tử vong vì ung thư, đang mắc bệnh ung thư trên địa bàn.

Dù chưa có số liệu về số người tử vong và mắc bệnh ung thư, thế nhưng Chủ tịch UBND xã Lê Cảnh Tiến khẳng định: “Người dân phản ánh không chính xác, 3 năm nay không có người chết vì ung thư, người dân nói thế để nâng cao quan điểm”.

Liên quan đến việc người dân liên tục có ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri, ông Tiến cho biết: “Sau những lần tiếp xúc cử tri, bà con ý kiến thì xã có xuống nhắc nhở phía nhà máy gạch và trang trại lợn”.

Người dân hoài nghi về nguồn nước, về không khí dẫn đến bệnh ung thư, nhưng để giải những thắc mắc đó, hơn 10 năm qua, họ kêu cứu chính quyền địa phương. Thế nhưng, cho đến nay, người dân vẫn sống trong lo sợ, không biết khi nào “án tử” gọi tên, không biết ung thư bắt nguồn từ đâu?

Huyện Triệu Sơn đạt huyện nông thôn mới năm 2022 và đang phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, đến năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại IV. Trong khi đó, tiêu chí môi trường là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.