Xóm ung thư
Có mặt tại xóm Rôộc, thôn Trạch Phổ, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến cảnh tượng đau thương ở đây. Trong xóm Rôộc có chừng 20 nóc nhà nhưng có đến 12 người mắc ung thư, trong đó có 7 người đã chết.
Đáng buồn hơn là trong số những người mắc bệnh, đã chết hoặc được bệnh viện đưa về lo hậu sự, có nhiều người là anh em, chị em hoặc cùng trong một họ tộc.
Anh Nguyễn Văn Trung - Con trai ông Nguyễn Văn Quảng (vừa được chẩn đoán là ung thư máu) - nghẹn ngào : “Ba tui đang khỏe mạnh, vẫn đi làm việc đồng áng bình thường, mấy ngày gần đây ổng kêu đau, rồi đưa vô Bệnh viện Trung ương Huế khám. Nhưng đã quá muộn rồi, chừ bác sĩ kêu đưa về lo hậu sự thôi”.
Được biết, cách đây hơn 1 tháng, người chú của anh Trung là ông Nguyễn Văn Mưu cũng vừa mới qua đời vì căn bệnh ung thư dạ dày.
Nhiều người hàng xóm cho biết, cả hai anh em ông Quảng và ông Mưu đều khỏe mạnh, dù đã trên 60 tuổi nhưng vẫn làm ruộng bình thường. Đến đầu năm 2014, sau một cơn đau, ông Mưu được chẩn đoán ung thư dạ dày và mất sau đó 3 tháng, còn ông Quảng thì vừa được phát hiện vào cuối tháng 7. Đau lòng là hầu hết những người bị phát hiện ung thư đều đã ở giai đoạn 3, không còn khả năng điều trị.
Trong số 12 người mắc ung thư ở xóm Rôộc, có khá nhiều người đang ở độ tuổi trung bình. Trẻ tuổi nhất là anh Nguyễn Văn Tiệp mắc bệnh ung thư lưỡi, đã qua đời khi mới 40 tuổi.
Chỉ tính riêng đầu năm 2014, cả xóm Rôộc đã có 4 ca mắc ung thư, khiến cho khu xóm nghèo càng trở nên vẳng vẻ và tiêu điều hơn. Nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực này cũng trở nên hoang mang, lo sợ khi căn bệnh này trở nên quá phổ biến.
Chưa xác định được nguyên nhân
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Định - Trạm trưởng trạm y tế xã Phong Hòa - cho biết : “Trạm y tế đã ghi nhận số ca mắc ung thư và tử vong ở địa bàn thôn Trạch Phổ, tổng cộng đã có hơn 30 ca trong toàn thôn. Tuy nhiên vẫn chưa rõ nguyên nhân từ đâu. Về cơ bản, các bệnh dịch vẫn hoàn toàn được khống chế”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, địa bàn thôn Trạch Phổ, nhất là xóm Rôộc trước đây từng là căn cứ địa cách mạng. Do trước kia, đây là khu vực rừng rậm, là nơi ẩn nấp của quân giải phóng ta nên cũng là nơi hứng chịu rất nhiều bom đạn của Mỹ.
Ông Nguyễn Đăng Thuận, người dân thôn Trạch Phổ cho biết : ”Vào khoảng mùa thu năm 1967, quân đội Mỹ đã thả xuống khu vực này 12 quả bom với đủ chủng loại, trong đó có cả bom napal, tạo thành nhiều hố nước tự nhiên ở đây”. Ông Thuận còn dẫn chúng tôi đi xem các hố bom chưa được san lấp, thậm chí có nhiều hố vẫn còn nguyên trạng.
Theo nhiều người lớn tuổi trong thôn, trước đây những hố bom này là giếng nước tự nhiên của người trong thôn, thường được sử dụng cho sinh hoạt. Mãi đến năm 2006, thôn Trạch Phổ mới có nước sạch để sử dụng.
Tuy nhiên, nước sạch chỉ được sử dụng cho việc ăn uống, nhiều người vẫn vô tư sử dụng nước hố bom để tắm, giặt. Đặc biệt là ở các giếng nước này, hoàn toàn không có vách ngăn bằng bê tông hay đáy lọc, mà được thẩm thấu tự nhiên từ lòng đất.
Nhiều người nghi ngại rằng, có lẽ các hóa chất có trong bom Mỹ đã thấm vào đất và gây nên các bệnh tật như ngày nay, đặc biệt là bệnh ung thư. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có lời giải.
Làm việc với chúng tôi, ông Trần Văn Nguyên - P.Chủ tịch UBND xã Phong Hòa cho biết: “Lâu nay chính quyền xã đã nắm tình hình trên, sắp tới UBND xã sẽ đề đạt với cấp trên, đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành đo đạc, lấy mẫu thử để xác định nguyên nhân. Trước mắt, phải tuyên truyền bà con tuyệt đối không sử dụng nước hố bom để sinh hoạt”.