Thân gửi chị Trần Mai Ngọc!
Hình ảnh của chị và người đồng đội Đinh Anh Hoàng xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông khi đem về tấm Huy chương Vàng lịch sử cho bóng bàn đôi nam nữ Việt Nam tại sân chơi SEA Games 32 sau 26 năm chờ đợi đem đến cho em những cảm xúc đặc biệt. Vậy nên, em viết thư này cho chị để bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình trước chiến tích của hai anh chị cũng như cảm ơn chị vì truyền đến em rất nhiều cảm hứng để vươn lên trong cuộc sống.
Em là cậu bé khá năng động và chơi được nhiều môn thể thao, trong đó có bóng bàn. Tuy nhiên ở môn thể thao này, em mới chỉ dừng lại ở mức “biết chơi”, hay như lời nhận xét của bố em là “chơi hời hợt”.
Từ lâu, em cũng rất chăm theo dõi những trận bóng bàn trên YouTube hay trên truyền hình, nhất là khi em ngồi trước TV cổ vũ cho vận động viên Đức Tuân vô địch đơn nam SEA Games năm ngoái trên sân nhà Việt Nam. Vì vậy, với kì SEA Games lần này được tổ chức tại Campuchia em lại càng mong chờ vào một tấm Huy chương Vàng tiếp theo cho bóng bàn Việt Nam.
Thú thật, ban đầu em chỉ tập trung theo dõi những trận đấu đơn nam vì em nghĩ đây là nội dung đem lại nhiều hy vọng huy chương cho nước nhà, nhất là với sự tham gia của đương kim vô địch Đức Tuân.
Những nội dung khác của môn bóng bàn em chỉ theo dõi qua, bởi lẽ, từ lâu lắm rồi Singapore và Thái Lan thay nhau thống trị ngôi đầu. Nhất là, ở nội dung đôi nam nữ mà chị và anh Đinh Anh Hoàng tham dự, lần cuối cùng Việt Nam có được chức vô địch là năm 1997 thì Singapore đã giành được 10 Huy chương Vàng trên 11 lần nội dung này được tổ chức ở những kì SEA Games tiếp theo.
Tuy vậy, với tuổi đời còn rất trẻ khi chị mới 19 tuổi và anh Hoàng đang tuổi 21, cả hai anh chị đã chứng minh cho khán giả thấy khả năng của mình qua từng trận đấu, nhất là trận bán kết cực hay trước cặp đôi đến từ Thái Lan.
Em tìm hiểu và được biết rằng chị sinh năm 2004, tức là hơn em có hai tuổi thôi đấy. Quê hương của chị ở Bình Dương. Bố mất sớm, mẹ làm công nhân may nên từ nhỏ chị và người em sinh đôi Trần Ngọc Ngà đã sống trong hoàn cảnh khó khăn, vất vả. Và chính từ đời sống có phần bấp bênh ấy, hai chị đã tìm được niềm đam mê cho mình - đó chính là bóng bàn.
Vận động viên Trần Mai Ngọc. Ảnh: ITN. |
Ngay từ khi lên 9, hai chị đã chia tay mẹ để lặn lội ra Hà Nội xa xôi, tiếp tục theo đuổi đam mê của mình. Thiếu đi bàn tay chăm sóc ấm áp của người cha chắc hẳn đôi khi chị sẽ thấy cuộc sống của mình mất đi một chỗ dựa vững chắc phải không? Em biết quyết định rời xa tổ ấm để bay cùng ước mơ ở một vùng trời xa lạ là một quyết định khó khăn, không chỉ với những người cùng hoàn cảnh với chị, mà còn với cả những người có đủ đầy tình cảm mẹ cha.
Có lẽ, chính việc được tôi rèn trong hoàn cảnh khắc nghiệt cùng việc tự lập sớm như vậy, chị đã có cho mình một bản lĩnh thi đấu lạnh lùng đến đáng ngạc nhiên.
Khi quan sát chị thi đấu trong mọi tình huống bóng, em thấy chị luôn giữ được phản ứng điềm tĩnh. Có lẽ khoảnh khắc chị bùng nổ cùng người đồng đội Đinh Anh Hoàng khi giành được tấm Huy chương Vàng lịch sử cho Việt Nam là giây phút hiếm hoi chị bộc lộ cảm xúc của mình ra ngoài.
Em cũng cảm thấy thật bất ngờ khi người thầy đã dìu dắt chị trên con đường bóng bàn hơn 10 năm qua lại chính là huấn luyện viên Vũ Mạnh Cường - người đã đem đến tấm Huy chương Vàng đôi nam nữ tại SEA Games 1997. Quả là “hổ phụ sinh hổ tử” chị nhỉ, nhất là khi chị đã gặp được người thầy đầy tài năng và được ông dạy dỗ, chỉ bảo như người cha thứ hai của mình.
Người ta thường nói “tuổi trẻ tài cao” để dành cho những người đạt được thành tựu phi thường khi ở độ tuổi thanh xuân. Ở độ tuổi 15, trong khi em vẫn còn đang ngày ngày cắp sách đến trường, chị đã khiến mọi người chú ý đến tài năng của mình khi đạt hạng Nhì giải vô địch quốc gia.
Thực sự ở tuổi thiếu niên, cái tuổi vẫn còn đầy bồng bột, không thiếu những sai lầm và sự nóng vội vậy mà chị đã chứng minh cho mọi người thấy, bằng tài năng và khát khao san sẻ bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền với mẹ của mình ở Bình Dương thì không gì là không thể.
Và, 4 năm sau, ở tuổi 19 chị tiếp tục khẳng định tài năng của mình ở đấu trường quốc tế. Hình ảnh chị đứng lên bục cao nhất ở đấu trường SEA Games và hát vang Quốc ca đã khiến cho em xúc động và truyền cho em cảm hứng tiếp tục phấn đấu trong học tập để trưởng thành hơn.
Chị cũng chính là động lực to lớn giúp cho em tiếp tục theo đuổi bộ môn bóng bàn. Như chị biết đấy, em chỉ là người chơi bóng bàn “hạng ruồi” và đôi khi em hay bỏ dở luyện tập trong một thời gian dài. Tuy nhiên, sau khi biết đến chị và đặc biệt là được theo dõi hành trình của chị ở SEA Games 32 em đã có thêm rất nhiều động lực để cầm vợt và tiếp tục luyện tập với trái bóng bàn.
Thư cũng dài rồi, em dừng bút đây. Em chúc chị sẽ có thêm được nhiều thành tựu khác cho cá nhân và đội tuyển Việt Nam trong tương lai chị nhé!