Ca sĩ, giảng viên Đỗ My Lam: Vượt khó để thành công

GD&TĐ - Từng được đặc cách vào Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội do giành giải Nhất Cuộc thi Sao Mai khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhưng Đỗ My Lam lại chọn con đường học tập và phát triển sự nghiệp ở quê nhà.

My Lam (trái) luôn nhiệt huyết với vai trò giảng viên.
My Lam (trái) luôn nhiệt huyết với vai trò giảng viên.

Nghe chị hát ca khúc “Về với xứ Thanh” của nhạc sĩ, NSND Nguyễn Tiến mới thấy khát khao cống hiến cho mảnh đất xứ Thanh trong chị lớn thế nào.

Hạnh phúc với nghề

Tôi cứ hình dung thời gian 24 giờ trong ngày không đủ để Đỗ My Lam làm việc, bởi ngoài công việc giảng dạy tại trường, chị còn đang theo học nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và tham gia hầu hết các chương trình nghệ thuật lớn, nhỏ của tỉnh. Bởi thế mà khi tôi đặt lịch phỏng vấn qua điện thoại, chị đã dành cho tôi khoảng thời gian vào lúc… 22 giờ 30 phút. Dẫu vậy trong cuộc trò chuyện, tôi không thấy chị than phiền mệt mỏi mà chỉ thấy tiếng cười, sự vui vẻ, hạnh phúc khi được làm công việc mà mình yêu thích.

Đỗ My Lam tên thật là Đỗ Thị Lam, hiện là giảng viên Khoa Âm nhạc, Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa. Khiêm tốn, giản dị khi nói về những thành tích của mình nhưng những bằng khen, giấy khen của chị lại không hề khiêm tốn chút nào. Tôi thấy chị đều giành được những danh hiệu cao nhất trong các cuộc thi mà mình tham gia, bất kể đó là cuộc thi mang tầm tỉnh hay Trung ương, dành cho lứa tuổi thiếu niên hay thanh niên. Đó là Huy chương Vàng Hội thi Tiếng hát học sinh phổ thông toàn quốc, năm 2005; Giải Nhất Liên hoan Tiếng hát Hoa phượng đỏ toàn tỉnh Thanh Hóa, năm 2005; Huy chương Vàng Cuộc thi Tài năng sinh viên toàn quốc, năm 2010; Huy chương Vàng Liên hoan các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc, năm 2010; Giải Nhất Sao Mai khu vực miền Trung - Tây Nguyên, năm 2011… My Lam cũng là thí sinh đầu tiên đào tạo tại Thanh Hóa giành giải Sao Mai danh giá.

Mặc dù sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật nhưng những điệu hò sông Mã, dân ca xứ Thanh cứ bám riết lấy tâm hồn cô bé Lam ngày ấy và khao khát được theo con đường ca hát chuyên nghiệp. Rất may là dù bố mẹ Lam làm nông nghiệp nhưng lại có tư tưởng tiến bộ khi ủng hộ con gái theo nghiệp “cầm ca”, một nghề vốn dĩ nhiều chông gai, nhọc nhằn và lắm cám dỗ.

Trong ký ức, Lam còn nhớ những ngày trời mưa to gió lớn, bố chở mình trên chiếc xe đạp cọc cạch băng qua con đường đất lầy lội đến Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh để học hát.

Chính những năm tháng sinh hoạt tại đây, Lam được cô Lê Hằng (hiện là Giám đốc Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh Thanh Hóa), cô Kỳ Duyên và Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Hải truyền cảm hứng và tiếp thêm niềm tin để Lam tin vào sự lựa chọn của mình. Khẳng định được năng khiếu nổi trội ở đội Thỏ Trắng, Lam đã tự tin biểu diễn ở nhiều chương trình và giành được thành tích tốt tại các cuộc thi âm nhạc. Đó là cơ sở, là tiền đề để Lam bước chân vào học tại Trường Trung cấp Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa (nay là Đại học Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa) rồi tiếp tục học lên hệ cao đẳng và đại học tại trường khi ngôi trường được nâng cấp.

Ca sĩ My Lam.

 Ca sĩ My Lam.

Không “ngủ quên trên chiến thắng”

Trong cuộc trò chuyện cùng tôi, Đỗ My Lam nhắc nhiều đến công ơn của thầy Đoàn Dũng và NGƯT Phạm Hoàng Hiền. Nếu thầy Đoàn Dũng đã dạy dỗ và luôn quan tâm định hướng cho Lam trên con đường âm nhạc thì cô Hoàng Hiền lại chăm chút cho Lam từng ly từng tý một về kỹ thuật thanh nhạc.

Với Lam, cô Hoàng Hiền không chỉ là cấp trên (Trưởng khoa Âm nhạc, Trường Đại học Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa), mà còn như người mẹ. Chính cô Hoàng Hiền đã luôn động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện để Lam dự thi Sao Mai rồi cũng chính cô là nguồn động lực để chị ở lại trường làm giảng viên. Hơn nữa chị biết rằng, ngoài kia biển rộng lớn, không chỉ mình, mà còn nhiều người khác hát rất hay. Và nhất là ngôi trường của chị càng ngày càng được đầu tư khang trang, là môi trường giáo dục chuyên nghiệp, tin cậy, nhân văn. Chị nguyện ở lại mái trường này để tiếp tục “ươm mầm” thế hệ ca sĩ của tỉnh những mong nền nghệ thuật của tỉnh sẽ ngày càng chuyên nghiệp, chất lượng hơn.

Tuy sớm gặt hái được những thành tích trong sự nghiệp nhưng Đỗ My Lam không “ngủ quên trên chiến thắng”, chị luôn cố gắng làm việc, học tập để “ngày mai phải tốt hơn ngày hôm qua”. Bởi thế mà dù quãng đường Thanh Hóa - Hà Nội không gần nhưng chị đã hoàn thành khóa học Thạc sĩ và đang rong ruổi trên hành trình chinh phục học vị Tiến sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Là người hướng dẫn My Lam luận văn Thạc sĩ và sắp tới là luận án Tiến sĩ, PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai nhận xét, ở Lam thể hiện một cô gái thông minh, nhanh nhẹn, luôn quan tâm đến phát triển nghề nghiệp. Còn cô Hoàng Hiền thì đánh giá My Lam là người có đam mê, có chí tiến thủ và luôn có sự cầu thị. 

Hết lòng với sự nghiệp đào tạo

Là cô giáo đồng thời lại là nghệ sĩ, My Lam luôn cố gắng “phiêu” trong giới hạn cho phép. Chị phân biệt rất rạch ròi hai vai trò đó để làm tốt nhất công việc của mình. Trên sân khấu người ta không còn thấy một cô giáo My Lam có phần khuôn phép, cứng nhắc. Trái lại trên bục giảng người ta không còn thấy một My Lam quá phiêu lãng. Chị luôn quan niệm làm nghề nào cũng cần phải tâm huyết, thực sự đầu tư công sức, trí tuệ thì mới thành công. Bởi vậy mà không quá lạ lẫm trong những giờ đứng lớp, lớp cô Lam thường tan học lúc quá trưa hoặc xẩm tối.

Âm nhạc vốn dĩ là môn nghệ thuật không dễ, nó đòi hỏi ai đó muốn thành công phải thực sự khổ luyện, phải thực sự coi đó là một nghề “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, đó không phải là nghề dành cho người “cưỡi ngựa xem hoa”. Cô giáo My Lam vẫn thường giảng dạy như thế cho học trò với mong muốn sẽ đào tạo ra lớp ca sĩ thực sự thành công, thực sự là những “ngôi sao” trên bầu trời âm nhạc xứ Thanh cũng như của đất nước. Đó cũng là những lời “gan ruột” mà chị đúc kết từ chính cuộc đời học tập, rèn luyện bền bỉ của mình.

My Lam được đánh giá là người có giọng hát đầm ấm, nồng nàn, truyền cảm, trữ tình. Lam yêu thích dòng nhạc jazz nhưng chị có thể hát được nhiều dòng nhạc khác nhau để phục vụ các chương trình nghệ thuật của tỉnh.

Trong thời gian tới, chị mong muốn làm một MV như một kỷ niệm để đời ghi dấu thời thanh xuân sôi nổi của mình cũng như một “món quà” dành tặng người thân, bạn bè và người hâm mộ chị trong suốt những năm. Dẫu biết làm MV ở tuổi 31 có phần muộn màng nhưng âm nhạc là cuộc chơi không có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc. Quan trọng nhất là My Lam vẫn đang đi trên con đường âm nhạc với niềm tin, với khát khao cháy bỏng, với tình yêu nồng nàn, đắm say.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.