Hơn 96% thí sinh đã tham gia và hoàn thành kỳ thi một cách nhẹ nhàng, an toàn, tự tin. Kỳ thi được đánh giá là đặc biệt, hiếm thấy trong lịch sử thi cử Việt Nam, với nhiều việc chưa từng có tiền lệ.
Lần đầu tiên trong lịch sử thi cử, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, học sinh lớp 12 cả nước trải qua điều kiện học tập khác xa truyền thống, các em phải học và ôn thi trực tuyến, từ xa. Hình ảnh cô cậu học trò vùng sâu ở Lào Cai, Đăk Nông, Quảng Trị… dựng lều trên đồi, bất chấp mưa gió để "câu sóng" học online đã chạm vào trái tim biết bao người về tinh thần hiếu học. Lứa thí sinh 2K2 này cũng đã thấm thía tới hai lần dời lịch thi và không biết bao lần hoang mang trước những ý kiến ngoài xã hội về đề xuất dừng thi. Cả việc các em phải đeo khẩu trang, xếp hàng giãn cách, sát khuẩn tay, đo nhiệt độ... khi đến trường thi cũng là những việc mà chưa thí sinh thế hệ nào trước đó phải trải qua.
Kỳ thi cũng đồng thời đặc biệt với những nhà tổ chức. Chỉ còn khoảng 2 tuần diễn ra kỳ thi, Đà Nẵng phát hiện ca nghi nhiễm đầu tiên, báo hiệu đợt bùng dịch lần thứ hai. Thi hay không thi, trên mạng xã hội và nhiều kênh chính thức đã lên tiếng đề nghị Bộ GD&ĐT dừng kỳ thi, chuyển sang xét tốt nghiệp bằng học bạ để bảo đảm an toàn cho thí sinh, những người làm thi và cộng đồng. Làm sao để có thể tổ chức kỳ thi theo luật định, bảo đảm nguyện vọng, quyền lợi và sự công bằng cho thí sinh mà vẫn phòng dịch tốt là bài toán cân não. Bám sát diễn biến dịch bệnh từng ngày, bình tĩnh và thận trọng, trước ngày thí sinh đến trường thi chỉ 4 ngày, Bộ GD&ĐT đưa ra quyết định dũng cảm, mang đến một sự đặc biệt nữa cho kỳ thi: Tổ chức thi thành 2 đợt.
Năm nay cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, nhiệm vụ của một kỳ thi không chỉ là an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế mà còn phải gồng gánh trên vai nhiệm vụ kép: Vừa tổ chức thi tốt, vừa đảm bảo phòng dịch. Tổ chức kỳ thi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, mỗi thí sinh, cán bộ làm thi đều trong tư thế chiến sĩ, mỗi điểm thi, phòng thi là một "pháo đài" chống dịch. Chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng các phương án dự phòng, các điểm thi còn đồng thời ứng phó với những tình huống dịch bệnh phát sinh một cách nhanh nhất, mang lại cho thí sinh, phụ huynh và xã hội sự yên tâm, tin tưởng cao.
Làm nên thành công kỳ thi có sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ; quyết tâm của Bộ GD&ĐT; vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, hỗ trợ của các bộ, ngành; tinh thần cộng đồng trách nhiệm cao và sự phối kết hợp, chia sẻ của các sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐ. Đặc biệt đáng trân trọng là sự đóng góp, hỗ trợ thầm lặng của cộng đồng. Câu chuyện về người thầy, cô lặng lẽ bỏ tiền túi nấu cơm, sắp xếp chỗ ăn nghỉ cho trò ở xa; những sinh viên tình nguyện thà ướt mưa không để thí sinh ướt áo, chiến sĩ công an chạy xe tìm thí sinh ngủ quên hay các y, bác sĩ tận tình đưa trò sau ca phẫu thuật đến trường thi… đã mang lại cho kỳ thi thật nhiều xúc cảm, đáng nhớ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 đã hoàn tất nhưng những nhiệm vụ hậu kỳ vẫn còn tiếp tục. Công tác chấm thi, chuẩn bị thi đợt hai… cần được thực hiện tốt nhất, trong khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Khó khăn còn nhiều ở phía trước, nhưng trong hành trình mới, thầy trò toàn ngành đã vững vàng, tự tin hơn. Bởi chúng ta đã mạnh mẽ vượt qua một kỳ thi đặc biệt, mà trong đó mỗi người, nói theo một cách nào đó, cũng đã thành công trong việc vượt lên chính mình.