Tháng sáu, "phiêu" trên cao nguyên Đà Lạt

GD&TĐ - Triển lãm “Phiêu tháng sáu” là một cuộc ra mắt nhỏ, nhưng không kém phần thú vị của 8 nghệ sĩ Hà Nội tại Đà Lạt.

Công chúng Đà Lạt đến xem triển lãm “Phiêu tháng sáu”.
Công chúng Đà Lạt đến xem triển lãm “Phiêu tháng sáu”.

Đây là triển lãm phức hợp gồm cả hội họa và điêu khắc của 8 nghệ sĩ đến từ Hà Nội: Vũ Bình Minh, Phạm Thái Bình, Minh Anh, Nguyễn Thùy Dương, Vũ Tuấn Đạt, Lưu Văn Liêm, Nguyễn Hoàng, Phạm Huy Thông.

Những người thầy điêu khắc

Kéo dài trong suốt tháng 6 tại không gian nghệ thuật Stop And Go (TP Đà Lạt), “Phiêu tháng 6” là triển lãm đồng hành với sự kiện Liên hoan phim châu Âu 2022. Triển lãm nhằm đem đến với công chúng Đà Lạt và người yêu nghệ thuật khắp cao nguyên những góc nhìn và ý tưởng phiêu lãng của nghệ thuật.

3 trong số các nghệ sĩ đã thành danh và 5 người còn lại là những nghệ sĩ… rất trẻ, nhiều triển vọng. Theo nghệ sĩ Phan Quang (thành viên ban tổ chức), các nghệ sĩ có tác phẩm tự triển lãm thực hành nghệ thuật độc lập với những hướng đi riêng. Tuy nhiên, các tác phẩm của họ lại chia sẻ nhiều quan tâm chung về tương lai của nghệ thuật Việt Nam.

Điêu khắc gia Phạm Thái Bình và điêu khắc gia Vũ Bình Minh là hai tên tuổi danh tiếng trong làng điêu khắc Việt. Tác phẩm của Phạm Thái Bình thường được tạo hình theo hướng giản lược, nhưng lại phản ánh cách hóm hỉnh sự đa sắc của đời sống.

Sinh năm 1978, là Phó Chủ nhiệm Khoa Nội thất và mỹ thuật công nghiệp, đồng thời là Trưởng bộ môn Điêu khắc - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Phạm Thái Bình đã có nhiều triển lãm vang danh.

Nhìn lại những chặng đường gắn bó với điêu khắc, Phạm Thái Bình cho rằng: “Điêu khắc là bạn, là tri kỷ, nơi tôi có thể huyên thuyên về tuổi thơ, về niềm vui, hạnh phúc hay nỗi buồn. Mặt khác, người bạn tri kỷ ấy cũng không nề hà gì mà luôn luôn giúp đỡ và hỗ trợ cho tôi trong sự nghiệp và đời sống”.

Hình ảnh những chú bé dân tộc bé nhỏ chính là đại diện cho phong cách nghệ thuật Phạm Thái Bình. Một chú bé dân tộc màu xanh lá cây trong vắt, xuất hiện nhiều ở các khán phòng triển lãm. Chú bé dân tộc ấy, như chính từ tuổi thơ của Phạm Thái Bình bước ra, đầy chất thơ mà cũng nhiều ngây ngô.

Đồng nghiệp và cũng là giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội - Điêu khắc gia Vũ Bình Minh lại chuyên chất liệu kim loại hàn, trong đó các sợi sắt gai, inox được khéo léo ghép khối để mô tả một cách khỏe khoắn nhưng tinh tế nét đẹp của những khối mây, của những giọt mưa…

Các tác phẩm của Bình Minh thể hiện những hình thái và cảm xúc khác nhau, khơi gợi cho người xem về sự biến đổi đa dạng của tạo hoá, cũng như sự xoay chuyển giữa không gian và thời gian trong cuộc sống đầy biến động.

Hồi tháng 4 vừa qua, Minh là đại diện duy nhất tham gia Art Solo 2022 - show triển lãm cá nhân uy tín, lớn nhất tại Đài Loan. Công chúng ấn tượng đặc biệt với những khối hình vần vũ bằng đủ mọi chất liệu. Sắt thép cũng có thể uốn lượn mềm nhũn như mây gió, hạt mưa… cho thấy sự sáng tạo tuyệt vời của điêu khắc Việt.

“Tôi thích thể hiện những ý tưởng mà nó thể hiện được bản sắc văn hóa Việt Nam. Bởi vì quanh chúng ta có nhiều thứ thú vị về đời sống con người, về đời sống văn hóa.

Tôi sử dụng những kỹ thuật, những góc nhìn mới để làm cho chất liệu văn hóa dân gian hiện đại hơn, hay hơn và thể hiện được thời đại tôi đang sống”, nhà điêu khắc Vũ Bình Minh cho hay.

Tác phẩm “Chồi xuân” của Lưu Văn Liêm.

Tác phẩm “Chồi xuân” của Lưu Văn Liêm.

“Phiêu” trên đất cao nguyên

Triển lãm “Phiêu tháng sáu” không phải là triển lãm đầu tiên của những nghệ sĩ Hà Nội ở Đà Lạt. Tuy nhiên có thể nói, đó là một trong những nỗ lực tiên phong để Đà Lạt giao lưu nghệ thuật nhiều hơn với các thành phố khác, nhằm thúc đẩy cao nguyên không chỉ là địa điểm nghỉ dưỡng mà còn là nơi hội tụ nghệ sĩ và là trung tâm nghệ thuật ở phía Nam.

Sự thành công của hai giảng viên điêu khắc không chỉ thể hiện qua những triển lãm trong và ngoài nước. Có tác phẩm trong nhiều bộ sưu tập quan trọng, mà còn qua việc họ tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với nhiều tác giả ở thế hệ kế cận.

Tuy vừa mới ra trường nhưng bề dày hoạt động của các điêu khắc gia Minh Anh, Nguyễn Thùy Dương, Vũ Tuấn Đạt, Nguyễn Hoàng, Lưu Văn Liêm không hề mỏng. Họ đều là học trò hoạt động gắn bó với các hai người thầy có mặt trong triển lãm lần này tại Đà Lạt.

Tượng của Minh Anh rất nữ tính, sử dụng nét cứng (kim loại) và nét mềm (mica) để xâm chiếm không gian, tạo ra những câu hỏi đối nghịch. Nguyễn Thùy Dương lại chú tâm vào điêu khắc ứng dụng, trong đó mỗi tác phẩm sinh ra để tương tác với một không gian kiến trúc cụ thể.

Vũ Tuấn Đạt có kỹ năng thể hiện rất ấn tượng và tác phẩm chứa không ít những hoài bão danh phận với nghề. Nguyễn Hoàng là một nghệ sĩ có cá tính mạnh mẽ và  thành công khi truyền tải sự phóng khoáng của tính cách vào trong những tác phẩm inox hàn.

Loạt tác phẩm “Khởi nguồn từ số 0” lại là một phương án khác mà Đạt nghiên cứu thể hiện sự biến đổi. Lấy số 0 làm điểm xuất phát, Đạt bắt đầu những phác thảo của mình từ những khối tròn rồi sau đó bẻ, bóp, ép, kéo… theo những hướng khác nhau, tạo ra những chuyển động tưởng ngẫu hứng nhưng cũng đầy tính toán.

Lưu Văn Liêm lại thể hiện những năng lượng tích cực trong các tác phẩm về sự sống, sự phát triển cũng như tiến hóa…

Người duy nhất bày các tác phẩm hội họa trong triển lãm là họa sĩ Phạm Huy Thông, người có nhiều trải nghiệm sống ở nhiều vùng văn hóa khác nhau trên thế giới. Tác phẩm của anh thể hiện mối quan tâm tới những chuyển động trong xã hội, đặc biệt là xã hội Việt Nam và tâm thái người Việt.

Những bức tranh trưng bày trong triển lãm “Phiêu tháng sáu” được trích từ bộ tranh “Ấp ủ”. Trong đó hình ảnh những công trình phủ bạt dứa sọc chỉ là cái cớ ban đầu để thể hiện những ước mơ hay phản ảnh những thực tế nằm ngoài biên giới hiện hữu của công trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ